Làm gì để không còn “giải cứu” nông sản?


Làm gì để không còn “giải cứu” nông sản?
07/05/2017 08:39 GMT+7

TTO - Từ đầu năm đến nay đã xảy ra tình trạng “giải cứu” chuối, sau đó đến “giải cứu” dưa hấu và tuần qua là “giải cứu” thịt heo. Làm sao để không còn tình trạng “giải cứu”?

Làm gì để không còn “giải cứu” nông sản?
Quầy bán thịt heo bình ổn giá do Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thực hiện nhằm kích cầu, "giải cứu" ngành chăn nuôi heo - Ảnh: A LỘC
Bên cạnh phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tự nhiên cũng đang phát triển nhanh chóng và trở thành xu hướng chủ đạo trên quy mô toàn cầu.

Tuần qua, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải chấm dứt tình trạng hết “giải cứu” này đến “giải cứu” khác trong nông nghiệp. Vậy giải pháp là gì? Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý.

Làm gì để không còn “giải cứu” nông sản?
Ông Vũ Mạnh Hùng

* Ông Vũ Mạnh Hùng (chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ):

Ba giải pháp

Các biện pháp “giải cứu” vừa qua chỉ là giải pháp tình thế và không bền vững. Việc kêu gọi mọi người tiêu dùng nhiều thịt heo hơn sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt gà, trứng, thịt bò, thủy sản... tức là đẩy khó từ người nuôi heo sang các nông dân chăn nuôi khác.

Ads by AdAsia

Theo tôi, để không phải “giải cứu” thịt heo nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung thì cần làm ba việc.

Thứ nhất là hạn chế nhập khẩu thịt từ nước ngoài. Thực tế thịt nhập khẩu tác động rất lớn đến ngành chăn nuôi trong nước, chứ không phải ít tác động như nhiều người phát biểu. Chính phủ cần có những biện pháp quyết liệt trong việc ngăn chặn thịt bẩn qua các biên giới, xây dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn thịt đông lạnh nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Thứ hai là đẩy mạnh chăn nuôi theo hợp đồng, theo chuỗi giá trị. Các chuỗi giá trị này phải đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ theo yêu cầu của VN, mà còn có thể đáp ứng yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu. Để vào được các hệ thống phân phối nội địa, bắt buộc nông dân phải tham gia chuỗi này.

Thứ ba là cho các hiệp hội quyền được phân bổ hạn ngạch chăn nuôi trên cơ sở cân đối cung cầu trong nước để tránh tình trạng khan hiếm hay dư thừa thịt.

Làm gì để không còn “giải cứu” nông sản?
Ông Đinh Thế Hiển

* Ông Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế):

Phát triển 4 mô hình nông nghiệp

Thời gian qua Chính phủ nói rất nhiều về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, công nghệ cao với những cam kết dành hàng trăm ngàn tỉ đồng cho các mô hình này. Tuy nhiên theo tôi, phát triển nông nghiệp theo hướng trên là đi lại con đường của các nước phát triển vào những năm 1950 và là mô hình nông nghiệp của thế kỷ 20.

Đối với thực tế của VN, nông nghiệp quy mô lớn kéo theo phụ thuộc đầu vào (vật tư nông nghiệp) và bấp bênh ở đầu ra (thị trường trong nước có hạn, thị trường thế giới chưa phát triển được), thiếu chủ động theo kiểu được mùa mất giá.

Ngoài ra, khâu phân phối nội địa yếu kém, nhiều tầng nấc và chi phí cao khiến người tiêu dùng đầu cuối (dân thành thị) vẫn mua giá cao, kém chất lượng; trong khi nông dân bán quá thấp, phải đổ bỏ.

Nay mọi thứ đã khác. Bên cạnh phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tự nhiên cũng đang phát triển nhanh chóng và trở thành xu hướng chủ đạo trên quy mô toàn cầu.

Vì vậy VN cần phát triển cả bốn mô hình nông nghiệp này, nhưng căn cứ vào đặc điểm riêng và thế mạnh của mình để có những chiến lược phù hợp. Đối với nông nghiệp quy mô lớn, VN tập trung vào các nông sản cơ bản như lúa, cà phê, hạt tiêu, hạt điều... vì đây là nguyên liệu đầu vào cho các ngành chế biến nên dễ tiêu thụ.

Bên cạnh đó là việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để phát triển thị trường rau quả có giá trị lớn gấp 7 lần so với thị trường gạo.

Ở những vùng địa lý khác có những lợi thế về cây trồng hay vật nuôi đặc sản, sự khác biệt về địa lý khí hậu và môi trường còn tương đối sạch, chính quyền không nên thu hút nông nghiệp quy mô lớn mà đẩy mạnh sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tự nhiên.

Tóm lại, VN nên cùng phát triển 4 loại sản phẩm nông nghiệp hoặc có kết hợp như đã nêu trên. Tránh tập trung phát triển sản phẩm quy mô lớn như xu thế của thế kỷ 20.

Với sự hội nhập sâu, giao thương toàn cầu, phát triển của hệ thống kinh doanh dựa trên Internet sẽ giúp nông nghiệp VN có khả năng thành công trong việc phát triển nông nghiệp đa dạng, ở quy mô nhỏ hơn hoặc liên kết nhiều trang trại nhỏ theo kiểu hợp tác xã hoặc chuỗi cung ứng nhỏ sẽ có nhiều triển vọng trong giai đoạn tới.

Làm gì để không còn “giải cứu” nông sản?
Ông Nguyễn Minh Kha

* Ông Nguyễn Minh Kha (chủ trang trại chăn nuôi ở 
Bình Dương):

Ổn định đầu ra

Đối với người chăn nuôi như chúng tôi, quan trọng nhất là ổn định được đầu ra với giá hợp lý để tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Hiện việc tham gia các chuỗi chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi đến trang trại, giết mổ, chế biến, bán lẻ là cách làm tốt nhất hiện nay.

Thông qua chuỗi này, nông dân ký hợp đồng với các đối tác cung cấp đầu vào và đảm bảo bao tiêu đầu ra với giá cố định. Vì vậy, chúng tôi chỉ tập trung vào phần việc của mình mà không phải lo lắng nhiều về đầu ra.

Thực tế trong hơn hai năm tham gia chăn nuôi theo chuỗi, trang trại của tôi luôn ổn định được chăn nuôi, đầu ra được đối tác mua hết với giá cố định. Hi vọng sắp tới khâu bán lẻ sẽ tăng cường quảng bá về chất lượng sản phẩm trong chuỗi này để người tiêu dùng hiểu hơn và ủng hộ hàng sản xuất trong nước. Như vậy, cả chuỗi sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong các năm tiếp theo.

Làm gì để không còn “giải cứu” nông sản?
Ông Nguyễn Đăng Vang

Ông Nguyễn Đăng Vang (chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, nguyên cục trưởng Cục Chăn nuôi):

Nếu không thay đổi, 3 năm nữa lại phải “giải cứu” thịt heo

- Hiện người chăn nuôi đang giảm dần đàn, giảm dần heo nái và heo con, trong 3 tháng tới mới có thể khôi phục như trước tháng 10-2016. Nhưng nếu không có giải pháp điều tiết thì sau khi “giải cứu” xong, giá thịt heo tăng, người chăn nuôi lại tăng đàn và ba năm nữa có khi lại phải “giải cứu”.

* Hiện giá thịt heo xuống thấp nhưng nhiều người tiêu dùng không dám mua, họ sợ thịt không đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Đây có phải lý do góp phần làm giá thịt xuống thấp, thậm chí ế ẩm không, 
thưa ông?

- Ở khu vực phía Bắc, theo tôi, chỉ có 7-8 nơi chăn nuôi heo kiểu hữu cơ với số lượng khoảng vài trăm ngàn con, so với tổng đàn 30 triệu con heo thì không phải là nhiều. Về giá heo nuôi theo kiểu truyền thống, tôi được biết khoảng 150.000 đồng/kg thịt, nhưng heo bình thường thì chợ nhỏ thành thị chỉ bán 65.000 - 70.000 đồng/kg, giá siêu thị có thể cao hơn chút đỉnh. Như vậy rõ ràng thịt đảm bảo vẫn bán được giá dù giá cao.

Phải “giải cứu” thịt heo là cực chẳng đã, nhưng trong thách thức cũng tìm ra một điều gọi là cơ hội, đó là chăn nuôi sạch, chăn nuôi kết nối được với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng thì đầu ra sẽ ổn định và được giá hơn.

Đó là chưa kể đầu năm 2016 có chuyện phát hiện heo nhiễm chất tạo nạc ở một số trại nuôi nhỏ, dù là trại nhỏ và không phải tất cả heo đều dính chất tạo nạc nhưng làm người tiêu dùng lo ngại.

Chăn nuôi theo quy trình sạch, chất lượng đảm bảo, thịt heo ngon, giết mổ hợp vệ sinh thì sẽ có đầu ra.

* Mới qua bốn tháng đầu năm mà người tiêu dùng đã phải ba lần “giải cứu” nông sản, đầu tiên là chuối, sau đó là dưa hấu và hiện đang là thịt heo. Làm sao để tình trạng này giảm hoặc cân bằng cung cầu nông sản, tránh tình trạng liên tiếp phải “giải cứu” như hiện nay?

- Người tiêu dùng sẵn sàng mua táo, nho và nhiều nông sản nhập khẩu khác giá cao, ngoài chất lượng ngon và loại nông sản là mới lạ ra, họ còn đánh giá cao về tiêu chí sạch, mặc dù có thể có điểm này điểm khác mà các tiêu chí ấy mới ngon, sạch trên quảng cáo.

Tuy nhiên, nếu chăn nuôi và trồng trọt của mình cũng thực hiện theo tiêu chí như vậy: đảm bảo ngon, sạch, theo thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng thì hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn.

Có người chất vấn sao biết từ tháng 10-2016 heo tăng đàn mà không cảnh báo mạnh? Thật ra từ tháng 10-2016 heo tăng đàn mạnh, nhưng heo nái và chuồng trại đã có từ trước đó rồi, như vậy thông tin cho bà con phải đi trước như thị trường đang cần thịt gì, trái nào, nông sản nào để điều phối, sau đó là đến vai trò trồng và nuôi sạch, sản phẩm ngon, giết mổ sạch thì chắc chắn có đầu ra với giá tốt.

Vai trò điều phối và thông tin này là của ngành nông nghiệp kết nối với ngành công thương và các địa phương.

LAN ANH thực hiện
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170507/lam-gi-de-khong-con-giai-cuu-nong-san/1310088.html

Bài viết khác