Lạc quan thị trường xuất khẩu gạo
Lạc quan thị trường xuất khẩu gạo
Bước vào tháng đầu tiên của năm 2018, thị trường xuất khẩu gạo đã đón nhận những tín hiệu tích cực từ những thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam. Những người trong cuộc cho rằng do điều kiện thời tiết bất lợi xuất hiện ở những quốc gia nên nhu cầu về gạo đang tăng lên. Trong khi đó ở trong nước đã xuất hiện tình trạng mua “lúa non” ngay trên đồng.
Tín hiệu xuất khẩu gạo tích cực ngay đầu năm khi nhu cầu thị trường khá lớn. Ảnh: Trung Chánh
|
Tín hiệu tốt, nhưng…
Sau khi Indonesia ban hành giấy phép nhập khẩu 500.000 tấn gạo, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã chính thức có thông báo, yêu cầu doanh nghiệp hội viên đăng ký số lượng, chủng loại cũng như mức giá có thể giao hàng để đơn vị này tổng hợp dự thầu.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết thông báo nêu trên được VFA gửi đến các doanh nghiệp hội viên hôm 17-1-2018 và hạn chót của quá trình đăng ký được VFA chốt vào 9 giờ sáng ngày 18-1-2018.
Theo ông Bình, chủng loại gạo được VFA yêu cầu doanh nghiệp đăng ký là 5%, 15% và 25% tấm. Điều này đồng nghĩa phía Indonesia sẽ nhập khẩu chủng loại gạo ở phân khúc này. Thời gian giao hàng chậm nhất đến kho của Indonesia là ngày 28-2-2018. “Vì vậy, chỉ trong nay mai, Indonesia sẽ chính thức mở thầu”, ông Bình dự đoán.
Trong khi đó, theo thông báo từ phía Indonesia, nguồn gạo được quốc gia này đồng ý nhập khẩu đến từ Thái Lan và Việt Nam. Indonesia quyết định nhập khẩu gạo gấp rút nhằm làm dịu giá lương thực đang tăng cao ở quốc gia này. Việc nhập khẩu sẽ được điều phối bởi Cơ quan hậu cần nhà nước Indonesia (Bulog) và Công ty thương mại nhà nước Perusahaan Perdagangan Indonesia (PPI) làm nhà nhập khẩu.
Trước đó, Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam, cũng tuyên bố sẽ sớm nhập 250.000 tấn gạo cho kho dự phòng của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA). Nhưng thời gian và cách thức thực hiện hợp đồng vẫn phải đợi Ủy ban an ninh lương thực quốc gia thông qua. Trong khi đó, thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo trong năm 2018, Philippines sẽ nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn gạo.
Sở dĩ nhu cầu nhập khẩu gạo từ Indonesia và Philippines được xem là yếu tố tích cực cho ngành hàng này của Việt Nam ngay từ đầu năm 2018 là bởi nhu cầu của Philippines thường xuất hiện trong mùa giáp hạt (từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm). Trong khi đó, Indonesia trong những năm gần đây đã hạn chế nhập khẩu gạo đến mức thấp nhất, thậm chí liên tục trong nhiều năm họ tuyên bố không nhập khẩu gạo. Vì vậy, quyết định mua 500.000 tấn ngay đầu năm là tin khá tích cực cho Việt Nam.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Bình của Trung An cho rằng, hợp đồng 500.000 tấn của Indonesia chưa hẳn là hợp đồng tốt. Vì theo kinh nghiệm của ông, mức giá được phía Indonesia đưa ra thường rất thấp, trong khi thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm, giá lúa gạo thị trường nội địa hiện đang tăng rất cao.
Cụ thể, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc, cho biết gạo nguyên liệu của giống IR 50404 tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, Tiền Giang được giao dịch ở mức 7.900-8.000 đồng/ kg, tăng 800-1.000 đồng/kg chỉ trong vòng 10 ngày nay; gạo thơm nguyên liệu dao động quanh mức 9.200-9.500 đồng/kg, cũng tăng 800-1.000 đồng/kg trong 10 ngày trở lại đây.
Đặt mua lúc lúa chưa trổ đòng
Tích hiệu tích cực như trên cộng với những thông tin dự báo nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc sẽ tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh thời tiết bất lợi như diễn biến gần đây đã khiến giới kinh doanh lúa gạo sẵn sàng “vung tiền mua lúa non” trên đồng.
Ông Nguyễn Văn Được, một người chuyên môi giới, mua bán lúa ở Tiền Giang cho biết, hầu hết các diện tích lúa gieo sạ chỉ mới 30-40 ngày tuổi (lúa chưa trổ đòng) đều đã được thương lái đặt tiền cọc gom mua.
Ông Được cho biết, mọi năm cũng có hiện tượng mua “lúa non”, nhưng khi lúa đã trổ đòng. “Còn năm nay, sức mua mạnh hơn rất nhiều khi doanh nghiệp và giới đầu cơ kinh doanh gạo mua cả lúa mới 30-40 ngày tuổi, thậm chí lúa mới gieo sạ và diện tích bao nhiêu cũng gom hết”, ông Được nhấn mạnh.
Theo ông Được, nếu như mọi năm doanh nghiệp và giới đầu cơ kinh doanh gạo chỉ đồng ý đặt cọc 2 triệu đồng/ ha, thì năm nay tăng lên 3 triệu đồng/ha, thậm chí có nơi là 4-5 triệu đồng/ha. Mức giá giao dịch năm nay cũng cao hơn năm ngoái khá nhiều. “Chẳng hạn, lúa IR 50404 tươi năm ngoái là 4.500 đồng/kg, thì năm nay doanh nghiệp sẵn sàng mua với giá 5.000-5.100 đồng/kg”, ông cho biết.
Tuy nhiên, thông tin từ những người trong cuộc cho biết, mức giá 5.000- 5.100 đồng/kg đối với giống IR 50404 tươi cũng không phải là mức giá thực được giao dịch trên thị trường hiện nay. Bà Yến của doanh nghiệp Yến Ngọc cho biết, lúa IR 50404 tươi thực tế hiện được giao dịch quanh mức 5.300-5.400 đồng/kg, tức cao hơn mức giá được doanh nghiệp và giới đầu cơ kinh doanh gạo đặt cọc mua “lúa non” là 200-300 đồng/kg.
Một số hộ nông dân cho biết việc chấp nhận bán với giá thấp hơn giá thị trường hiện nay khoảng 200-300 đồng/kg cũng là một quyết định mang tính đánh cược với may rủi. Nghĩa là, nếu khi lúa thu hoạch mà giá tiếp tục tăng thì họ lỗ, còn giá sụt giảm thì họ lời vì doanh nghiệp cam kết khi thu hoạch, giá có tăng hay giảm họ cũng đồng ý mua với mức giá đã đặt tiền cọc.
Trung Chánh
Bài viết khác
Tại Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững", Chuyên gia Kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã trình bày tổng quan về
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Chiều 14-11, UBND tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Lễ ký kết được tổ chức