Khởi sắc nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước


Khởi sắc nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước

11:32 AM - 04/09/2017 Thanh Niên
 
Sau hơn một năm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay ngành nông nghiệp Bình Phước đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
 
Phát triển công nghệ nhà màng
Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt đã từng bước hoàn thành và đưa vào hoạt động phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật bằng các phương pháp Invitro để phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gen quý hiểm của địa phương; Nhân giống thành công các loại cây trồng chất lượng tốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ngành nông nghiệp cũng đã tiến hành xây dựng hệ thống nhà màng để hoàn thiện các quy trình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, qua đó chuyển giao giống, khoa học kỹ thuật, công nghệ cho nông dân.
Khởi sắc nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước - ảnh 1
Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, HTX nông nghiệp Nguyên Khang (Bình Phước) cũng đã xây dựng và hoàn chỉnh quy trình trồng dưa lưới trong giá thể với quy mô 1.000 m2, thời gian trồng đến thu hoạch 70 ngày, năng suất đạt 3,5 tấn, thu nhập khoảng 140 triệu đồng/vụ. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp cũng đã xây dựng được quy trình trồng rau xà lách thủy canh quy mô 1.000 m2, năng suất đạt 1,5 tấn/vụ/tháng, cho thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/vụ và mô hình này đã được chuyển giao rộng rãi cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh áp dụng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng chuyển giao 5 giống điều đầu dòng được tuyển chọn tại địa phương để phục vụ cho các doanh nghiệp và xã nông thôn mới tại H.Bù Gia Mập thực hiện chương trình phát triển điều bền vững. Thực hiện mô hình “xây dựng sản xuất cây ăn trái chứng nhận VietGAP” cho Tổ liên kết sản xuất nhãn VietGAP thuộc xã Thanh Lương - TX.Bình Long với quy mô 20 ha, đến nay có 7 hộ thuộc tổ liên kết được cấp chứng nhận VietGAP.
Thực hiện thành công mô hình “trồng dưa lưới trong nhà màng công nghệ cao” tại trại giống cây trồng và vật nuôi của Trung tâm khuyến nông tỉnh với diện tích 1.200 m2, cho hiệu quả kinh tế cao, trọng lượng trung bình đạt 1,4 kg/quả.
Thực hiện mô hình “ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước nhỏ giọt trên cây tiêu” nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trên quy mô là 12 hộ/6 ha (0,5 ha/hộ) tại H.Hớn Quản và H.Lộc Ninh. Qua thời gian triển khai thí điểm và theo dõi tính hiệu quả trong 6 tháng đầu năm 2017, các hộ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm đúng kỹ thuật, cho hiệu quả cao, qua đó giảm chi phí thuê công nhân xuống 20%.
Hiện nay có khoảng 45/85 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; có 2 doanh nghiệp tư nhân đã áp dụng công nghệ để phát triển trồng dưa lưới tại P.Tân Đồng - TX.Đồng Xoài với quy mô 12.000 m2 tại H.Hớn Quản, HTX nông nghiệp Nguyên Khang thực hiện liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm với diện tích khoảng 45.000 m2 dưa lưới và 17.000 m2 trồng rau thủy canh tại TX.Đồng Xoài và H.Phú Riềng.
Nhân rộng mô hình chuồng kín
Về lĩnh vực chăn nuôi theo mô hình trang trại kín, hiện nay toàn tỉnh Bình Phước có 92/299 trang trại, trong đó 56/217 trang trại chăn nuôi heo có hệ thống làm lạnh (chuồng kín), tự điều chỉnh nhiệt độ, sử dụng máng ăn bằng Silo và hệ thống nước uống tự động vào mỗi dãy chuồng nuôi, quy mô chuồng nuôi từ 1.000 con - 12.000 con; 36/82 trang trại chăn nuôi gia cầm có hệ thống làm lạnh (chuồng kín), tự điều chỉnh nhiệt độ, 100% trang trại có hệ thống nước uống tự động.
Trong 36 trang trại chăn nuôi có sử dụng hệ thống thức ăn (Silo) thì tự động có 4 trang trại và 32 trang trại theo mô hình bán tự động. Quy mô chăn nuôi từ 16.000 con - 400.000 con. Ngành nông nghiệp cũng đã phối hợp triển khai thực hiện mô hình cải tạo chất lượng đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt trong nông hộ.
Hiện đã triển khai trên 100 con bò mẹ bằng hình thức sử dụng tinh bò ngoại nhập để thụ tinh nhân tạo, bò cái được thụ tinh đẻ 100%, bê con sinh ra khỏe mạnh, trọng lượng trung bình 23 kg/con, tỷ lệ sống của bê 6 tháng tuổi 100%. Phần lớn các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn cơ bản đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ cao trong chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm.
Tỷ lệ sử dụng hệ thống chuồng kín, công nghệ lạnh, tự động, bán tự động ngày càng tăng và thu được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.
http://thanhnien.vn/kinh-doanh/khoi-sac-nong-nghiep-cong-nghe-cao-tai-binh-phuoc-872178.html

Bài viết khác