Đây là sự kiện xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cả nước nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng; là cơ hội để các DN, HTX sản xuất, chế biến thanh long trong tỉnh giao thương, kết nối xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc; kết nối với các DN xuất khẩu thanh long ra nước ngoài. Hội nghị đặt kỳ vọng các DN, HTX sản xuất, chế biến thanh long có cơ hội, xúc tiến, quảng bá cũng như tầm quan trọng của hoạt động thảo luận, kết nối, mở rộng cánh cửa, hợp tác mạnh mẽ trong tiêu thụ và chế biến thanh long.
Phát biểu tại hội nghị, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, ngoài việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tốt cần phải có những sản phẩm phụ đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương phối hợp với địa phương để hướng tới thương hiệu thanh long đạt chuẩn về các tiêu chuẩn quy định. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề về phòng trừ dịch bệnh trên cây thanh long. Đại diện Liên hiệp HTX DV-SX Thanh Long Bình Thuận cho rằng: Để thị trường xuất khẩu thanh long được ổn định và sản phẩm có chất lượng thì các ngành chức năng cần nghiên cứu sâu trong công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây thanh long (bệnh đốm nâu). Bên cạnh đó tạo giống mới, chất lượng, có khả năng kháng bệnh cao và đảm bảo năng suất.
Về phía DN tiêu thụ, mong muốn các DN, hộ nông dân sản xuất cần chú trọng đến chất lượng; đầu tư kỹ thuật cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo có giá trị kinh tế cao; mở rộng diện tích vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Tại Bình Thuận - thủ phủ sản xuất thanh long của cả nước, với diện tích lên đến trên 26.500ha, sản lượng thu hoạch trên 500 ngàn tấn/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 262ha thanh long được cấp chứng nhận GlobalGAP; hơn 9.200ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP... Hiện chiếm 80-85% sản lượng thanh long Bình Thuận dành cho xuất khẩu, tuy nhiên xuất khẩu chính ngạch chỉ khoảng 2 - 3%, còn lại vận chuyển ra phía Bắc mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc.
Vì vậy, để nâng cao sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thu hút các DN trong và ngoài tỉnh cũng như DN nước ngoài tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ thanh long giữa Sở Công Thương các tỉnh thành phố, giữa các DN Việt Nam và giữa DN Việt Nam với DN Trung Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa mong rằng, để hợp đồng được ký kết tại hội nghị đi vào thực tiễn, có kết quả cụ thể, các DN thu mua phải đảm bảo việc thu mua hết số lượng và các DN cung ứng phải đáp ứng đủ số lượng, chất lượng theo hợp đồng.
Việc theo dõi sẽ giao cho Cục Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) phối hợp Sở Công Thương các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang giám sát kết quả thực hiện việc ký kết hợp đồng và có báo cáo các kết quả, triển khai 6 tháng 1 lần.