Heo truy xuất nguồn gốc... khó truy nguồn gốc
TTO - TP.HCM quy định từ ngày 1-3 heo có vòng truy xuất nguồn gốc mới được vào chợ đầu mối nhưng nhiều thương lái đã đeo vòng theo kiểu đối phó nên không thể truy nguồn gốc...
Heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc tại chợ đầu mối Hóc Môn. Ảnh: Nguyễn Trí |
Sau khi thực hiện ở các siêu thị, truy xuất nguồn gốc heo đã được triển khai ra kênh phân phối ở các chợ. Theo đó, người nuôi và bán heo vào TP.HCM có trách nhiệm mua, đeo vòng truy xuất ở chuồng, sau đó kích hoạt vòng trước khi bán heo. Nhưng ở khâu phân phối ở chợ, nhiều người đeo kiểu đối phó khiến nguồn gốc heo rất nhập nhằng.
Thói quen làm theo kiểu đối phó
Theo ghi nhận, từ những ngày đầu tháng 3-2017, hàng ngàn con heo tại chợ đầu mối Hóc Môn (huyện Hóc Môn) đều có đeo hai vòng truy xuất nguồn gốc. Nhưng khi được hỏi, nhiều thương lái thừa nhận chỉ đeo để... đối phó. Theo ông Ngô Doanh (Đồng Nai), hơn 100 con heo dù đã được ông tự tay đeo hơn 200 vòng nhưng thử truy xuất, ông không thể biết heo ai nuôi. “Mỗi lần gom heo từ hàng chục hộ, lại đeo ở lò mổ sau khi heo đã bị trộn lẫn, nên đeo chỉ để được đưa vào trong chợ” - ông Doanh thừa nhận.
Tương tự, để có đủ 50-60 con heo đưa vào chợ Bình Điền (Q.8) mỗi đêm, ông Nguyễn Văn Thiện (Tiền Giang) phải gom từ nhiều hộ khác nhau, thậm chí sang các tỉnh chưa thực hiện chương trình truy xuất heo nên theo ông Thiện khó truy xuất nguồn gốc heo vì "nhiều khi tôi mua heo tận miền Bắc”, ông Thiện nói.
Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết theo quy định sẽ có 4 vòng: vòng màu vàng để truy xuất do người nuôi đeo và kích hoạt tại trại. Vòng cam để kích hoạt và niêm phong thùng xe chở heo. Về lò mổ nếu vòng vàng bị đứt, vòng xanh sẽ thay thế. Cuối cùng là vòng trắng kích hoạt để nhập tin kiểm dịch và dùng niêm phong thùng heo trước khi về chợ đầu mối. Nhưng thực tế, ông Đoán công nhận việc đeo rất lộn xộn. “Thương lái đã thay người nuôi đeo vòng tại lò mổ để đối phó nên không phân biệt được heo của hộ dân nào. Và họ trừ tiền vòng này bằng cách giảm giá mua heo nên xảy ra xung đột” - ông Đoán nói.
Ông Lực - đại diện lò mổ Nghĩa Hưng (Long An) - công nhận có đợt chỉ 4 ngày, hơn 6.000 vòng đeo truy xuất cho heo của đơn vị cung cấp vòng đã được bán hết. “Tất cả thương lái đều mua nhưng mua xong là đeo và chở heo đi, chẳng ai kích hoạt vòng. Không biết cơ quan quản lý truy xuất ra cái gì?” - ông Lực thắc mắc.
Trong khi đó, người nuôi lại lo lắng bởi đeo vòng có thể hư chân heo. Theo ông Trần Đức Vinh Quang (Thống Nhất, Đồng Nai), mỗi tháng ông xuất hàng trăm con nên heo phải đeo vòng trước. Nhưng đeo lâu dễ làm hoại tử chân heo, tháo ra cũng không được vì vòng chỉ đeo được một lần.
Nhiều nơi vẫn chưa thông
Mặc dù truy xuất nguồn gốc thực phẩm được nhiều người dân ủng hộ như xu hướng tất yếu nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau. Theo ông Trần Quang Thái - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre, quy định truy nguồn gốc không giúp cải thiện chất lượng thịt. Ngoài ra, luật hiện hành quy định lô heo được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và niêm phong sẽ được lưu thông trên cả nước. “Việc đưa ra quy định heo không có vòng không được vào chợ của TP.HCM là thiếu công bằng và trái luật” - ông Thái nói.
Ông Phan Ngọc Châu, chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An, cũng cho biết khi kiểm dịch, ngoài kiểm tra chất lượng, đơn vị thú y còn ghi chép nguồn gốc và đánh dấu từng con heo của thương lái theo ký hiệu riêng, nên cần truy xuất sẽ truy ra ngay mà không cần đeo vòng.
Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lại lo nếu thêm 6.000-7.000 đồng tiền vòng, mỗi con heo tốn gần 30.000 đồng chi phí cho giấy tờ, thủ tục sẽ khiến người nuôi thêm khó bởi giá heo đang thấp. “Kiểm tra thường xuyên cơ sở nuôi, quản lý chặt nguồn thức ăn và chế tài thật nặng với hành vi sử dụng chất cấm là việc cấp bách hơn. Truy xuất được nguồn gốc nhưng chất lượng heo không an toàn thì không có lợi cho người tiêu dùng” - ông Công nói.
Phải làm vì người tiêu dùng
Trước nhiều ý kiến khác nhau, ông Nguyễn Ngọc Hòa - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đơn vị triển khai đề án truy xuất nguồn gốc heo - cho rằng các tỉnh không có nghĩa vụ phải chấp hành truy xuất nguồn gốc, nhưng việc truy xuất đúng về mặt pháp luật, bởi luật quy định hàng hóa lưu thông phải có nguồn gốc xuất xứ. Thừa nhận lúc mới triển khai sẽ có khó khăn do thói quen của người nuôi và thương lái nhưng theo ông Hòa, TP.HCM vẫn quyết làm. “Lâu nay việc nâng cao chất lượng thịt heo dựa vào ý thức không hiệu quả, cần phải đưa vào khuôn khổ” - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, do trục trặc nên tạm thời chỉ truy xuất từ thương lái đến chợ đầu mối. Vì thế, thương lái đeo hai vòng truy xuất vẫn được chấp nhận. Để các tỉnh có thời gian thích nghi, tạm thời vẫn cho heo không có vòng truy xuất vào chợ thay vì không cho như quy định. Nhưng sắp tới sẽ lập biên bản và có chế tài nếu tiếp tục vi phạm.
Ông Hòa công nhận hiện rất ít người nuôi đăng ký tham gia đề án, nên tạm thời phải cung cấp vòng cho thương lái. Tuy nhiên, nếu làm nghiêm túc vẫn có thể truy ra người nuôi. “Tại lò mổ, ngoài thông tin về thương lái sẽ phải khai địa chỉ người nuôi khi mua vòng. Dựa vào đây chúng tôi sẽ liên hệ để phổ biến và thuyết phục người nuôi tham gia đề án” - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, sau khi truy xuất từ trang trại tới chợ đầu mối ổn thỏa, đề án sẽ triển khai giai đoạn từ chợ đầu mối ra chợ lẻ. Giai đoạn này tiểu thương chợ đầu mối sẽ phải mua và dùng vòng truy xuất trước khi bán về chợ lẻ. Ban quản lý chợ đầu mối sẽ chỉ cho thịt ra khỏi chợ và ban quản lý chợ lẻ chỉ cho thịt vào chợ khi có vòng này.
Không khó, nếu nhận thức đúng Theo ông Đào Hà Trung (chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, đơn vị cung cấp kỹ thuật cho đề án), kích hoạt vòng đeo có phần tĩnh và động. Phần tĩnh là thông tin đã được cá nhân tham gia đề án đăng ký từ trước và sẽ tự động hiển thị khi kích hoạt, phần động là những thông tin điền bổ sung như số lượng heo, biển số xe... “Chỉ cần điện thoại thông minh và vài chục giây là kích hoạt được, dễ hay khó nằm ở ý thức cá nhân tham gia đề án” - ông Trung khẳng định. Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện đang là giai đoạn 1 của đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Giai đoạn 2 sẽ truy thêm chất lượng thịt thông qua vòng đeo với thông tin liên quan quá trình nuôi. |
Không thiếu vòng truy xuất Trước ý kiến của ông Trần Quang Thái cho biết việc cung cấp vòng truy xuất heo chỉ do một đơn vị được TP.HCM chỉ định khiến nông dân khó mua vòng, đại diện Công ty phân phối Saigon Co.op - nơi cung cấp vòng truy xuất - khẳng định sẽ giữ mức giá ổn định là 6.000 đồng/2 vòng. Hiện vòng đã chuyển về tất cả các tỉnh, khách hàng dễ dàng mua sau khi cung cấp đầy đủ thông tin. Ngoài ra, có thể đăng ký mua trực tiếp với đơn vị cung cấp sẽ được chuyển tới tận nơi. |
Bài viết khác
Ngày 28/8, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M’Drắk) đã tổ chức Lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm chuối đầu tiên sang thị trường Mông Cổ.
Từ ngày 25 – 29/7/2024, tại Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Lào, thủ đô Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024 (VIETLAO EXPO). Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất do Bộ Công Thương hai nước Việt Nam
Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2024 đang chính thức mở cổng đăng ký, hứa hẹn là bệ phóng hoàn hảo để khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu của bạn!