Giáo sư nhiều nhưng vì sao cứ phải nhập lắm giống


Giáo sư nhiều nhưng vì sao cứ phải nhập lắm giống
14/09/2017 19:13 GMT+7

TTO - Suốt 10 năm trời các trường đại học không cho ra đời bất kỳ giống nào mới trong khi đó Việt Nam mỗi năm phải nhập rất nhiều giống.

 
Giáo sư nhiều nhưng vì sao cứ phải nhập lắm giống - Ảnh 1.

Tìm hiểu thông tin các kết quả nghiên cứu về giống, sản phẩm phục vụ nông nghiệp của Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM - Ảnh: QUỐC THANH

"Hầu như không có giống cây trồng mới nào được lai tạo từ các trường đại học ở TP.HCM để đưa vào sản xuất trong 10 năm trở lại đây", tiến sĩ Dương Hoa Xô, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, nhận định. 

Phát biểu này được ông Xô đưa ra tại hội thảo "Ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để phát triển nông nghiệp TP.HCM trở thành trung tâm giống cây trồng đáp ứng nhu cầu của nông nghiệp các tỉnh Tây nam bộ và Đông nam bộ", do sở này tổ chức ngày 14-9.

Theo ông Xô, việc lai tạo giống mới trong 10 năm trở lại đây, tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tập trung chủ yếu vào giống lúa, bắp, giống cây công nghiệp (điều, khoai mì…). 

Tỷ trọng các giống rau, hoa mới hầu như không đáng kể.

Khá nhiều nhà chuyên môn, doanh nghiệp cảm thấy băn khoăn khi mỗi năm Việt Nam tốn khoảng 500 triệu USD để nhập giống cây trồng các loại. 

Riêng nhập khẩu giống rau, mỗi năm chi khoảng 70 triệu USD, dù số lượng viện nghiên cứu, trường đại học, được đánh giá là không thua kém nhiều khu vực 

Ông Nguyễn Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội thương mại giống cây trồng Đông Nam bộ, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 4.800 tấn giống cây các loại, trong đó có gần 220 tấn giống lúa và chủ yếu là giống của Trung Quốc.

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đề nghị các nhà chuyên môn thảo luận, chỉ ra những khâu nghẽn để đưa TP.HCM trở thành trung tâm giống của vùng phía Nam.

Chia sẻ với những than phiền của doanh làm giống, Bí thư Thành ủy thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh TP.HCM có 55% diện tích đất làm nông nghiệp nhưng người làm giống vẫn thiếu đất. 

Các doanh nghiệp làm giống ở thành phố đã đăng ký giao đất nhưng ba năm nay chưa được trả lời. 

Ông Nhân đề nghị từ nay đến tháng 12-2017, các cơ quan chức năng thành phố trả lời khả năng đáp ứng nhu cầu này cho các doanh nghiệp.    

Ngoài ra, ông Nhân cũng định hướng thành phố cần chú ý nghiên cứu, làm ra các loại giống thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như giống chịu được nước mặn.     

Bài viết khác