Giá cước vận tải biển đang tăng chóng mặt vì tình hình ở Biển Đỏ
(PLO)- Tình hình tại Biển Đỏ vẫn diễn biến rất phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Sáng 6-2, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu do tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ.
Tham dự cuộc họp ngoài Bộ Công Thương còn có đại diện Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao), các DN, hiệp hội ngành hàng.
Giá cước vận chuyển tăng đến 60%
Tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết kênh đào Suez chiếm khoảng 12% tổng lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu, là tuyến đường ngắn nhất thông từ Địa Trung Hải sang Biển Đỏ để lưu thông tàu thuyền qua lại giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Thế nhưng, từ đầu tháng 12-2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, hàng trăm tàu lớn phải thay đổi đường đi vòng qua mũi Hải Vọng ở phía nam Châu Phi khiến thời gian đi biển kéo dài thêm 10-15 ngày, từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu tại cuộc họp sáng 6-2. Ảnh: N.H
Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam thì giá cước tàu hiện vẫn ở mức cao. So với tháng 12-2023 thì cước vận chuyển container đường biển đi Bờ Tây nước Mỹ từ 1.850 USD/container đã tăng lên 2.873 USD-2.950 USD/container, mức tăng đến 55-60%; cước tàu đến Bờ Đông cũng tăng thêm 58-73%.
Các DN Châu Âu được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường đi qua Biển Đỏ. Giá cước sang Châu Âu ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12-2023, từ 1.200-1.300 USD tăng lên 4.350-4.450 USD.
Không chỉ tăng chi phí vận chuyển mà hàng loạt các tác động tiêu cực khác cũng đã xảy ra. Một số hãng tàu lớn đã áp dụng thêm các khoản phí mùa cao điểm gây căng thẳng thêm về chi phí cho chủ hàng. Trong trường hợp chủ hàng Việt Nam không phải là người đàm phán hợp đồng vận chuyển, việc áp phí không báo trước và ở mức cao khiến các chủ hàng Việt Nam gặp khó khăn.
Thời gian vận chuyển kéo dài cũng khiến các chuyến hàng bị cập cảng trễ hơn ít nhất một tuần, nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Xa hơn nữa, việc tăng chi phí vận tải và giá dầu sẽ gây ra hiệu ứng domino đối với giá cả hàng hóa khác và làm tăng thêm bất ổn kinh tế và địa chính trị, từ đó cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Cuộc họp có sự tham gia của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Ảnh: N.H
Cần xem xét ổn định giá cước
Để ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình Biển Đỏ đối với hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa liên quan đến DN Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng các cơ quan quản lý, hiệp hội và DN cần xem xét ổn định giá cước và phí vận chuyển.
Đồng thời tổ chức phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế như tuyến đường sắt liên vận từ Việt Nam qua Trung Quốc, Nga, Belarus đến Châu Âu, hoặc xem xét tuyến đường vận tải đa phương thức kết hợp, đi đường biển đến các cảng ở Trung Đông, sau đó đi đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ sang Châu Âu.
Bên cạnh đó tiếp tục xem xét các giải pháp khác như đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa; lưu ý trong đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm bám sát tình hình; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, đánh giá tình hình và ứng phó đối với các tình huống tương tự trong tương lai; tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh.
“Xung đột Biển Đỏ không phải là vấn đề một quốc gia có thể giải quyết, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi chịu tác động. Nhưng bằng cách nắm bắt thông tin nhanh nhất có thể, dự báo tác động chính xác nhất có thể và các biện pháp ứng phó phù hợp, ta có thể hướng tới mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của vấn đề toàn cầu này, thậm chí là có thể biến nguy thành cơ đối với một số ngành” - ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, tháng 12-2023, xuất khẩu của Việt Nam nói chung đã có dấu hiệu hồi phục, nhưng xuất khẩu sang Châu Âu vẫn giảm 4,7%, trong đó có một phần ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị và bất ổn trên Biển Đỏ nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung gây gián đoạn, tắc nghẽn tuyến đường vận chuyển huyết mạch này.
Nguồn: Báo Pháp Luật.
Bài viết khác
Năm 2024, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ghi nhận lợi nhuận đạt 4.940 tỷ đồng, mức cao kỷ lục và là năm thứ tư, doanh nghiệp đạt mức lãi trên 1.000 tỷ đồng.
(PLVN) - Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Lai ngày 6/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Gia Lai cần bám sát vào các Nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới
Năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn…