Du lịch khám phá vườn rau công nghệ cao
TTO - Vốn quen thuộc các điểm đến nổi tiếng, nhiều du khách đã tìm đến các vườn rau công nghệ cao của phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng) để xem công nghệ sản xuất rau hiện đại và thử tại chỗ loại rau “sạch không cần rửa”!
Nhiều trang trại rau sạch tại Đà Lạt, Lâm Đồng trở thành điểm tham quan được nhiều du khách ưa thích - Ảnh: PHAN HUY |
Mở cửa đón khách tham quan miễn phí, hướng dẫn và phục vụ chu đáo, các khu trang trại nông nghiệp cao không chỉ trở thành một trong những điểm tham quan mới tại Đà Lạt, mà người trồng rau cũng tiêu thụ được sản phẩm tại chỗ, xây dựng được các mối tiêu thụ mới.
Không phải cuối tuần, nhưng khu trang trại của Công ty Nông sản rau thủy canh Đà Lạt (làng hoa Vạn Thành, phường 5, Đà Lạt) vẫn tấp nập khách đến tham quan. Nhiều nhóm khách lẻ và cả những đoàn khách đi theo tour háo hức chờ đến lượt vào khám phá trang trại trồng rau này.
Vừa bước vào vườn rau, chị Lê Thị Bích Ngọc (du khách Hà Nội) bày tỏ thích thú với những giàn ống chứa nước được đưa lên cao hơn 1m so với mặt đất, trên giàn là các luống rau xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống dù không cần đất.
“Thích thế. Vườn rau rất đẹp, các cây rau lại sạch và an toàn nữa”.
Trong khi đó, gia đình anh Lê Văn Bình (TP.HCM) cũng “đánh” ôtô đến tận vườn rau thủy canh Đức Tín (đối diện cổng khu du lịch Thung lũng Tình yêu) để tìm trải nghiệm mới.
Dạo khắp vườn rau, hai cháu nhà anh Bình không ngớt đặt câu hỏi: Làm sao rau sống được mà không cần đất? Rau hút chất dinh dưỡng thế nào?...
Cầm cây rau xà lách có bộ rễ trắng muốt vừa được thu hoạch, chị Giang (vợ anh Bình) thích thú nói: “Té ra thu hoạch rau cũng không khó lắm mà lại sạch sẽ, chẳng bị lấm bẩn bùn đất gì cả vậy nhỉ”, rồi tìm hiểu giá cả và yêu cầu đóng gói để đem về.
Đại diện Công ty Nông sản rau thủy canh Đà Lạt cho biết bình thường mỗi ngày nông trại có 500 - 1.000 khách đến tham quan, riêng dịp lễ này có thể đón 3.000 - 4.000 khách/ngày.
Công ty cũng bố trí nhân viên hướng dẫn khách tham quan và giới thiệu sơ lược về các quy trình trồng rau thủy canh dâu tây siêu sạch của trang trại.
Theo anh Lê Quốc Đức - chủ vườn rau thủy canh Đức Tín, các chủ vườn rau sạch đều mở cửa cho khách vào tham quan miễn phí nên thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh và cả mua rau.
Tại vườn rau Đức Tín, những ngày cao điểm hoặc cuối tuần lượng khách đến tham quan lên đến 300 - 400 người/ngày, cũng được nhân viên tại đây tận tình hướng dẫn, giới thiệu về công nghệ trồng rau sạch.
“Việc mở cửa cho khách tham quan tìm hiểu công nghệ trồng rau, chủ vườn cũng có lợi. Chỉ cần mỗi người mua một vài ký rau về làm quà cũng giúp nhà vườn tiêu thụ cả tạ rau một ngày mà không cần qua kênh phân phối nào cả” - anh Đức nói.
Sẽ mở rộng mô hình du lịch canh nông Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết mô hình du lịch canh nông (tham quan các vườn rau hoa công nghệ cao) đang được địa phương này triển khai thí điểm tại một số nhà vườn, nhằm giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về mô hình trồng rau siêu sạch của Đà Lạt. Trong thời gian tới, theo bà Ngọc, những mô hình này sẽ tiếp tục được mở rộng ra một số địa phương lân cận như huyện Đức Trọng, Lạc Dương và Đơn Dương nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, cũng như góp phần quảng bá đặc sản nông nghiệp công nghệ cao của địa phương. |
Bài viết khác
Tại Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững", Chuyên gia Kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã trình bày tổng quan về
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Chiều 14-11, UBND tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Lễ ký kết được tổ chức