Doanh nghiệp châu Âu có niềm tin vào kinh tế Việt Nam
Kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi, linh hoạt khiến doanh nghiệp châu Âu tin tưởng, tăng đầu tư, theo Chủ tịch EuroCham.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, nói đầu tư của châu Âu vào Việt Nam không giảm dù kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn phức tạp. Gần nhất, Nestlé Việt Nam vừa thông báo kế hoạch mở rộng có giá trị 100 triệu USD.
"Điều này nhấn mạnh niềm tin của doanh nghiệp châu Âu với Việt Nam", ông nói tại buổi ra mắt Sách trắng thường niên, ngày 16/1.
Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh của EuroCham trước đó cũng đánh giá Việt Nam là ngôi sao đang lên thu hút đầu tư toàn cầu. Niềm tin, sự hài lòng của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại thị trường này có dấu hiệu cải thiện trong quý cuối của 2023.
Tuy nhiên, ông Gabor Fluit cũng lưu ý, thực tế trong 2024 sẽ có nhiều khó khăn. Dù Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng GDP, môi trường kinh tế có thể không thuận lợi như trước năm 2020. Phía EuroCham dự đoán sẽ có những thách thức như xuất nhập khẩu bị chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng cũng như những khó khăn khác không lường trước được.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit phát biểu tại công bố Sách Trắng ngày 16/1. Ảnh: EuroCham
Hiệp hội này cho rằng, chìa khóa then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp lúc này là các chính sách thích ứng - tức thường xuyên điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với bối cạnh. Việt Nam có thể định vị chính mình để tận dụng được nhiều cơ hội trong tương lai.
Theo đó, các doanh nghiệp châu Âu cũng đã tổng hợp và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị ở hàng chục lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, được nêu ra trong Sách Trắng.
Ví dụ với nhóm ngành bất động sản, phía EuroCham gợi ý Việt Nam cần ban hành quy định với tiêu chuẩn, hướng dẫn cụ thể, quy định thời hạn sử dụng đất cho căn hộ, nhà ở và văn phòng khách sạn. Việt Nam cũng cần có chính sách bảo vệ nhà đầu tư trong trường hợp công ty phát triển bất động sản mất khả năng thanh toán, phá sản. Hay với vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà, cần ban hành danh mục dự án không cho phép sở hữu nước ngoài, còn lại các dự án khác sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam.
Nhóm ngành xây dựng cũng kiến nghị đơn giản hóa quá trình cấp chứng nhận thiết bị để tránh chậm trễ dự án; thống nhất các chính sách cho phép xác nhận nhanh chóng vật liệu phòng cháy chữa cháy. Năm ngoái, các quy định về phòng cháy chữa cháy đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa lẫn FDI.
Hay với nội dung mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, EuroCham đưa ra một số đề xuất như: cân nhắc loại trừ hoạt động tái cấu trúc nội bộ tập đoàn khỏi chế độ kiểm soát sáp nhập; tăng giá trị của các ngưỡng theo quy định về kiểm soát sáp nhập liên quan làm phát sinh các giao dịch phải được thông báo. Đồng thời, xem xét làm rõ các điều khoản của luật cạnh tranh, chống độc quyền để đưa ra các ngưỡng rõ ràng và chắc chắn cho các khoản đầu tư vào Việt Nam.
Sách Trắng cũng đề các chiến lược, mở ra cơ hội thương mại, đầu tư mới ở Việt Nam như thiết bị bán dẫn, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh.
Thông tin thêm về cải cách thủ tục hành chính, vốn là vấn đề được các doanh nghiệp FDI chú ý, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, cho biết trong 2023 đã cắt giảm 628 quy định tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Năm 2024, ông nói ít nhất 20% thủ tục hành chính nội bộ và 20% chi phí tuân thủ sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa.
Ông đồng thời đề nghị các hiệp hội tổng hợp khó khăn, vướng mắc về chính sách trong kinh doanh gửi đến Văn phòng Chính phủ; cũng như tích cực góp ý cho các quy định, thủ tục hành chính dự kiến ban hành.
Bài viết khác
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) ngày 27/11/2023, các bộ, ngành
Sau thời gian tuyển chọn kỹ lưỡng, cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2024 đã đi đến hồi kết với nhiều thành tích ấn tượng dành cho các dự án trong mảng nông nghiệp.
Thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2025, Bộ Công Thương chủ trì, Cục XTTM thực hiện phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà Séc và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ tổ chức Đoàn giao dịch thương mại