(TBKTSG Online) - Cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, nông trang Xanh ở Củ Chi là một địa điểm dã ngoại cuối tuần.
|
Khách tham quan chụp hình tại nông trang Xanh ngày cuối tuần. Ảnh: ĐT |
Đây là nơi có vườn dưa trồng trong nhà kính bị phá hoại cách đây độ một tuần. Khoảng 1.500 gốc dưa Kim Hoàng hậu bị nhổ bật gốc, còn nhà kính thì bị kẻ phá hoại dùng dao rạch nát. Thiệt hại ước tính cả tỉ đồng.
Một tuần sau sự cố, nhà kính đang được sửa lại, song song đó là quá trình làm đất chuẩn bị cho một vụ trồng mới. “Biết rằng có thể tiếp tục bị phá hoại, nhưng chúng tôi vẫn sẽ trồng bởi khách hàng đang chờ đợi sản phẩm này”, anh Hà Nhật Anh, quản lý nông trang cho biết. Dưa là một trong nhiều sản phẩm được trồng ở nông trang và đưa xuống tiêu thụ tại cửa hàng ở quận Tân Bình – TPHCM.
Nông trang vốn là một trung tâm trồng nấm tại ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM. Nấm trồng nhiều, ngoài việc bán cho thương lái, nông trang mở thêm cửa hàng để bán cho người tiêu dùng tại trung tâm thành phố.
Để tạo thêm niềm tin, từ năm 2014, nông trang này quyết định mời khách tham quan trại nấm để hiểu về quy trình sản xuất và cũng là cách để gắn kết thêm với khách hàng. Rồi từ nhu cầu của khách hàng, nông trang phát triển thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ mới để phục vụ khách du lịch.
Khách đến nông trang có thể chia thành hai nhóm. Một là gia đình đi dã ngoại vào dịp cuối tuần. Hai là các đoàn học sinh tiểu học và trung học, thường tham quan trang trại vào những ngày trong tuần. Thỉnh thoảng có thêm những đoàn khách từ doanh nghiệp đi theo kiểu team building. Trong mô hình kinh doanh này, các công ty lữ hành là đối tác quan trọng. Nhờ họ, nông trang có thêm khách hàng mà không tốn nhiều nguồn lực cho chi phí marketing.
Với các đoàn học sinh tham quan, một trong những trải nghiệm mà các em ưa thích là vắt bò sữa. Bò sữa không chỉ nuôi phục vụ riêng cho du lịch mà là một phần quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất của trại nấm. Phân bò được dùng để nuôi trùn quế. Phân trùn quế dùng phối hợp với mùn cưa làm phôi để sản xuất nấm.
Như nhiều hộ nông dân khác ở Củ Chi, sữa bò được bán cho những đơn vị thu gom. Nhưng rồi giá sữa bấp bênh, có thời điểm quá thấp, nông trang tìm hướng đi mới. Một phần được bán cho những nhà hàng Ấn Độ ở trung tâm thành phố để họ làm phô mai. Một phần được chế biến, đóng chai, bán lẻ cho các cửa hàng và khách tham quan trang trại.
Trong số các đoàn học sinh tham quan, nhiều thầy cô muốn đặt sữa cho nhà trường sử dụng. Nhu cầu đủ lớn, vậy là nông trang Xanh mở thêm nhà máy chế biến sữa. Ngày 27-12-2016, nhà máy sữa đặt ngay cạnh nông trang chính thức đi vào hoạt động. Ngày nay, khi mua vé vào tham quan nông trang, khách sẽ được mời một ly sữa miễn phí.
Cũng năm trong năm 2016, nông trang mở rộng thêm 20 héc ta, nâng tổng diện tích trang trại lên 26 héc ta, trồng thêm ruộng lúa, nương bắp, vườn hoa… để phục vụ khách tham quan. Tất cả, như Nhật Anh chia sẻ, đều xuất phát từ tín hiệu của thị trường.
|
Khu nhà kính đang được sửa lại chuẩn bị cho vụ mới. Ảnh: ĐT |
Chuyện trồng dưa cũng vậy. Một tuần nữa, những hạt giống dưa Kim Hoàng hậu tiếp tục được gieo trồng. Ba nhà kính, mỗi nhà rộng 20 mét, dài 70 mét, đang trong quá trình hoàn thiện. “Khách hàng cần, chúng tôi tiếp tục. Và dĩ nhiên, chúng tôi sẽ cẩn thận hơn trong công tác bảo vệ”, Nhật Anh chia sẻ và cũng hy vọng cơ quan điều tra sớm làm rõ sự cố vườn dưa mà gia đình anh gặp một tuần trước.
http://www.thesaigontimes.vn/157096/Da-ngoai-o-nong-trang-xanh.html
|