Công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chiều 17/1, UBND tỉnh Đắk Lắk long trọng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương hữu quan. Về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023. Quy hoạch xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, bản sắc văn hóa các dân tộc; tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; TP.Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế; tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục, thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh.
Quy hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 là 11%/năm; tỷ trọng kinh tế số đạt 20%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng; huy động GRDP vào ngân sách khoảng 13% - 14%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 40% - 41% GRDP giai đoạn; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 3,5% - 4,5%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo (đa chiều) hàng năm 1,5% - 2%; hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 3% - 4%/năm trong cả thời kỳ 2021 – 2030; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.
Với tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk xác định mục tiêu trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống. Người dân Đắk Lắk văn minh, thân thiện, hội nhập. Đến năm 2050 là tỉnh có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn. Quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước. Phát triển xứng tầm các chức năng ở nhiều cấp độ vùng Tây Nguyên, quốc gia, quốc tế. TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.
Trên cơ sở các mục tiêu đề ra, Đắk Lắk xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện như: Cơ cấu lại các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao; phát triển mạng lưới đô thị, trước hết ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính TP.Buôn Ma Thuột để TP.Buôn Ma Thuột xứng tầm một đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Xây dựng, nâng cấp thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III. Đầu tư nâng cấp hạ tầng và phát triển huyện Ea Kar đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại IV và trở thành thị xã; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các giá trị cốt lõi về thiên nhiên và lịch sử văn hóa; tăng cường kết nối liên vùng, liên tỉnh…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đắk Lắk. Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, tỉnh Đắk Lắk cần chủ động, tích cực phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên nhằm rà soát lại quy hoạch toàn vùng Tây Nguyên, từ đó xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch, đảm bảo hài hoà, kết nối với quy hoạch vùng Tây Nguyên, cũng như giữa Tây Nguyên với các vùng kinh tế - xã hội khác; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo, thu hút nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung quy hoạch và phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, quy hoạch đô thị của Đắk Lắk phải hướng tới mục tiêu xanh, thông minh, “trong rừng có đô thị, trong đô thị có rừng”; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.…
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh, để đạt được những nhiệm vụ đã đề ra, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khoa học trong thực hiện Quy hoạch; chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ chặt chẽ; chú trọng công tác quản lý quy hoạch, kịp thời rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kỹ thuật chuyên ngành; đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng điểm, ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tao, bảo vệ môi trường…
Bài viết khác
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) ngày 27/11/2023, các bộ, ngành
Sau thời gian tuyển chọn kỹ lưỡng, cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2024 đã đi đến hồi kết với nhiều thành tích ấn tượng dành cho các dự án trong mảng nông nghiệp.
Thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2025, Bộ Công Thương chủ trì, Cục XTTM thực hiện phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà Séc và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ tổ chức Đoàn giao dịch thương mại