Chuyến tàu đầu tiên xuất gần 70 tấn dừa tươi sang Trung Quốc
Ngày 25/10, tại ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên vận chuyển gần 70 tấn dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Chuyến tàu chở 67,5 tấn dừa tươi với hành trình 7 ngày là sản phẩm hợp tác giữa Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (đơn vị vận hành đoàn tàu) và Công ty cổ phần Fado iExport.
Chuyến tàu đầu tiên xuất gần 70 tấn dừa tươi sang Trung Quốc |
Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang có diện tích trồng dừa lớn trong khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 21.650ha và đang không ngừng mở rộng. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế ưu đãi, cách làm mới giúp thúc đẩy hoạt động trồng và chế biến dừa trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang cũng đã xây dựng đề án phát triển cây dừa nhưng chưa được triển khai rộng khắp vì chưa tìm được đầu ra sản phẩm. Việc Chính phủ ký kết với Trung Quốc Nghị định thư về xuất khẩu trái dừa tươi đã mở ra một cơ hội cho việc thực hiện đề án. Đây cũng là cơ hội cho người nông dân trồng dừa tăng thu nhập, thay đổi cuộc sống.
Dừa tươi ở Tiền Giang chuẩn bị đóng container đưa lên chuyến tàu đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc |
Ông Phạm Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần FADO iExport (FADO), đơn vị liên kết với Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức xuất khẩu lô dừa tươi đầu tiên sang Trung Quốc, cho biết dừa tươi xuất khẩu là mặt hàng có yêu cầu cao trong quá trình vận chuyển. Quả dừa phải được bảo quản lạnh ổn định 2-3 độ C, độ ẩm 30%,... trong suốt quá trình vận chuyển.
Để đáp ứng chất lượng lô hàng, khách hàng Trung Quốc có thể giám sát nhiệt độ, độ ẩm trong container từ xa liên tục 24/7. Giải pháp này đảm bảo chất lượng trái dừa tươi khi sang đến Trung Quốc không bị suy giảm, góp phần nâng cao chất lượng nông sản Tiền Giang và giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc.
Lô hàng dự kiến đến Quảng Châu trong thời gian 7 ngày. Đây là một phương thức vận chuyển mới, có ưu điểm là thời gian vận chuyển ổn định, thủ tục hải quan xuất và nhập khẩu vào Trung Quốc nhanh chóng, chi phí logistics giảm hơn so với loại hình vận chuyển khác.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết sự kiện trái dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hôm nay là kết quả của quá trình nỗ lực đàm phán suốt một thời gian dài của các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và Trung Quốc, là sự đồng hành kiên trì của người trồng dừa và doanh nghiệp xuất khẩu dừa của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Tiền Giang nói riêng.
“Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch phát triển sản xuất vùng trồng dừa theo từng vùng sản xuất tập trung có lợi thế, có quy mô phù hợp, gắn với hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng, tăng cường xúc tiến thương mại trái dừa tươi đến các thị trường tiềm năng”, ông Trọng yêu cầu.
Theo:Ngọc Hậu thoibaonganhang
Bài viết khác
Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, sự phát triển của ngành nông nghiệp còn góp phần quan trọng sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trước thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang diễn ra cấp bách thì vi
Ngày 24/10, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 46 dưới sự chủ trì của Myanmar tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các bên tham gia đã xác định 8 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác nông nghiệp khu vực.
Ngày 22/10, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với CSIRO (Australia) tổ chức hội thảo về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.