Chuyên nghiệp hóa người nông dân bằng con đường thay đổi tư duy


Thay vì cầm tay chỉ việc, lực lượng khuyến nông xác định thay đổi tư duy, tiếp cận từ trải nghiệm thực tiễn là cách nhanh nhất để chuyên nghiệp hóa người nông dân.

'Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông' là phương châm hoạt động của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với nhiều hình thức để truyền tải kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Ảnh: Tùng Đinh.

"Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông" là phương châm hoạt động của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia với nhiều hình thức để truyền tải kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Đi từ hạt nhân

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia  (TTKNQG) Lê Quốc Thanh, trước tiên, khi nói đến đào tạo, huấn luyện người nông dân, cần xác định rõ ràng, họ nằm ở vị trí nào trong không gian nông nghiệp, nông thôn nói chung. Mặc dù nông dân là chủ thể, nhưng xung quanh chủ thể đó có nhiều yếu tố, tác động đến người nông dân.

Và hiện nay, có thể xem khuyến nông là một mắt xích khá quan trọng của ngành nông nghiệp, là những người trực tiếp truyền tải tiến bộ, kiến thức, thông tin cho người nông dân.

Muốn nâng cao năng lực, đào tạo được và thi trức hóa nông dân, đưa họ trở thành những con người chuyên nghiệp, đầu tiên phải thay đổi được tư duy, nhận thức của họ.

Nếu như trước đây, công tác khuyến nông thường đi từ những già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng thì hiện nay, đối tượng để huấn luyện, đào tạo ban đầu sẽ là những nông dân hạt nhân. Dứt khoát phải đi từ những nông dân hạt nhân chứ không thể có chuyện tất cả đều nhận thức như nhau.

Sau khi tìm được những hạt nhân này, việc đầu tiên cần làm là lên phương án thay đổi tư duy cho họ, khi thay đổi được nhận thức thì họ mới ý thức được về sự phát triển của nông nghiệp. Và cách nhanh nhất trong vô vàn cách để có thể thay đổi tư duy của một người là thực tiễn, đặc biệt là tiếp cận thực tiễn ở các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến.

"Từ khi còn trẻ, khi được tham quan, học tập ở nước ngoài, mặc dù trong thời gian ngắn nhưng chúng tôi có sự thay đổi rất lớn về tư duy, nhận thức và cách tiếp cận mới về khoa học. Từ những kinh nghiệm đó, với mong muốn đào tạo, nâng cao năng lực cho nông dân, cần đưa những hạt nhân, nòng cốt đi tham quan, học tập thực tiễn", ông Lê Quốc Thanh phân tích.

Phải cho họ thấy, trải nghiệm và cảm nhận những điều khác với những gì họ tiếp xúc thường ngày. Khi được va chạm, tiếp xúc với những công nghệ mới, môi trường chuyên nghiệp, có những cái nhìn thực tiễn hơn thì tư duy của họ sẽ thay đổi nhanh hơn. Đương nhiên, không thể phủ nhận vai trò của sách vở, tài liệu.

Tiếp cận thực tiễn ở những mô hình mới, thậm chí ở nước ngoài là cách nhanh nhất để người nông dân có thể thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong hoạt động sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiếp cận thực tiễn ở những mô hình mới, thậm chí ở nước ngoài là cách nhanh nhất để người nông dân có thể thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong hoạt động sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Không chỉ nông dân, khuyến nông cũng không nằm ngoài phạm vi đó. Chúng ta cũng cần những khuyến nông viên nòng cốt, những người sẽ thay đổi sớm, chuyển đổi sớm rồi sau đó lại tiếp tục công tác huấn luyện, đào tạo cho nông dân.

Cụ thể hơn, TTKNQG đang xây dựng chương trình đưa nông dân và khuyến nông viên đi vừa lao động, vừa học tập ở những nước đã có nền nông nghiệp phát triển, sản xuất hữu cơ, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Đây là có thể xem là con đường ngắn nhất tiếp cận và thay đổi tư duy.

Vượt qua khỏi những lý thuyết, sách vở, khi tiếp cận với thực tiễn, trực quan, con người ta sẽ có những cú hích trong suy nghĩ, khiến mình phải động não để thay đổi. Như Bộ trưởng Lê Minh Hoan hay nói, trong mỗi con người đều có một "con bò", nếu không tiêu diệt "con bò" đó, thì sẽ mãi không thay đổi được nhận thức.

Hiện nay, có thể khẳng định người nông dân không thiếu công nghệ, không thiếu thông tin, tất cả đều có thể tiếp cận rất dễ dàng. Tuy nhiên, điều còn thiếu là tư duy, nhận thức và cách tiếp cận với những thông tin, công nghệ đó.

"Trước thực tế đó, TTKNQG đã có những thay đổi, ngoài việc tăng cường năng lực cho nông dân thông qua các lớp đào tạo, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác trao đổi, học tập với lực lượng là những nông dân nòng cốt, tiên tiến", Giám đốc TTKNQG khẳng định.

Khuyến nông đưa họ từ vùng này qua vùng khác để học tập, không phải là học mô hình mà học phương pháp, cách tiếp cận. Ví dụ, đưa người nuôi tôm lên miền núi hay đưa người miền núi xuống biển, họ sẽ có cách nhìn nhận riêng và tự rút ra điều mình còn thiếu.

Trước đây, chúng ta vẫn nói khuyến nông là cầm tay chỉ việc, nhưng trong thời đại hiện nay, việc đó đã có những công cụ khác để thay thế và khuyến nông phải tìm cách tiếp cận mới.

Ông Lê Quốc Thanh khẳng định: "Chúng tôi sẽ giúp người nông dân thay đổi tư duy, mặc dù nói có thể ngắn gọn nhưng thực tế thì không hề đơn giản. Vì vậy, trước khi thay đổi tư duy, cần giúp người nông dân hình thành được tư duy, cung cấp cho họ những kiến thức không có trong sách vở, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan thường chia sẻ".

Là một mắt xích trong ngành nông nghiệp, hệ thống khuyến nông cũng đang tự hoàn thiện, chuyên nghiệp hóa chính mình để có thể phù hợp với những thay đổi của thực tiễn. Ảnh: Tùng Đinh.

Là một mắt xích trong ngành nông nghiệp, hệ thống khuyến nông cũng đang tự hoàn thiện, chuyên nghiệp hóa chính mình để có thể phù hợp với những thay đổi của thực tiễn. Ảnh: Tùng Đinh.

Cùng chuyên nghiệp

Người đứng đầu TTKNQG cho rằng, muốn người nông dân chuyên nghiệp, cần đặt họ trong một hệ thống chuyên nghiệp chứ không thể chuyên nghiệp một mình, sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

Như vậy, ngoài người nông dân, lực lượng khuyến nông thì các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, lực lượng tiếp thị, quản trị của ngành nông nghiệp cũng phải được chuyên nghiệp hóa.

"Do đó, khuyến nông tự đặt ra yêu cầu chuyên nghiệp cho mình, người làm khuyến nông phải biết nông dân đang cần gì, đang mong muốn được giúp đỡ gì, đối tượng cần tiếp cận là ai và trong môi trường thế nào", ông Lê Quốc Thanh nói.

Bước đầu tiên trên hành trình chuyên nghiệp, là phải hệ thống hóa, đồng bộ hóa được các tài liệu hướng dẫn, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn... liên quan đến ngành nông nghiệp, không để người nông dân bị rối. Có thể thấy, kỹ thuật giống nhau nhưng ngôn ngữ thể hiện không thống nhất sẽ gây khó khăn cho người nông dân khi tiếp cận kiến thức.

TTKNQG sẽ tập hợp lại, đề nghị các bên liên quan cung cấp tài liệu để "khuyến nông hóa", thông qua ngôn ngữ khuyến nông để người nông dân có thể hiểu và triển khai một cách thuận lợi.

Nếu có được một bộ tài liệu khuyến nông thống nhất, đồng nhất, đó sẽ trở thành cuốn từ điển cho người nông dân. Cần gì, chỉ cần mở ra là sẽ được giải đáp. Ví dụ, muốn sản xuất hàng cho thị trường Hoa Kỳ cần gì, đi châu Âu cần gì, đi Nhật Bản cần gì... rồi cứ thế làm theo, là được.

Khi đã có những tài liệu này, công việc tiếp theo là tổ chức đào tạo cho những thành phần hạt nhân, cả khuyến nông và nông dân với phương châm, đào tạo cho người đi đào tạo, huấn luyện cho người đi huấn luyện.

Với đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo này, cùng hệ thống kiến thức, tài liệu thống nhất thì quá trình tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa người nông dân sẽ được thực hiện bài bản, chắc chắn và bền vững.

Nhật Bản là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến và nhu cầu lao động lớn, việc lao động kết hợp học tập ở đây sẽ giúp các học viên có cái nhìn mới mẻ về nông nghiệp, thu nạp được nhiều kiến thức khi trở về. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhật Bản là quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến và nhu cầu lao động lớn, việc lao động kết hợp học tập ở đây sẽ giúp các học viên có cái nhìn mới mẻ về nông nghiệp, thu nạp được nhiều kiến thức khi trở về. Ảnh: Tùng Đinh.

"Đi làm thuê, về làm chủ"

Hiện nay, TTKNQG đã ký kết với phía Nhật Bản, Hàn Quốc và phối hợp với một số doanh nghiệp để tuyển chọn lực lượng gồm các nông dân và khuyến nông viên tiên tiến, đồng hành cùng nhau để sang lao động, học tập ở 2 quốc gia này.

Trước khi đi, các học viên sẽ trải qua một khóa đào tạo cơ bản về ngôn ngữ, văn hóa, cách ứng xử... Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tạo cho người đi lao động một tâm thế mà như Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: "Đi làm thuê, về làm chủ".

Trong những chuyến đi này, vấn đề thu nhập, công xá không phải là mục đích chính nữa, điều quan trọng là đi để học tập, đi để thay đổi tư duy, thay đổi cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đưa ra yêu cầu phải lựa chọn được những ứng viên có tâm thế tích cực, ham học hỏi. Khi đó, không phải nhất cử lưỡng tiện, mà là nhất cử đa tiện, một hoạt động nhưng đa giá trị, đa mục đích.

Về chương trình, các chuyến đi sẽ mang tính thời vụ, ngắn ngày và trùng với quãng nông nhàn ở Việt Nam, thường kéo dài từ 6-8 tháng. Các học viên sẽ làm việc vào mùa hè của họ nhưng lại trên các đối tượng cây trồng mùa đông của Việt Nam nên sau khi về nước có thể áp dụng được ngay.

Triển khai từ năm 2023, hiện 10 học viên đầu tiên bao gồm cả nông dân và khuyến nông viên đang trải qua lớp đào tạo cơ bản để có thể đi Nhật Bản trong chuyến đầu tiên vào tháng 4/2024.

Bước đầu là ngành trồng trọt, TTKNQG cho biết sẽ mở rộng ra các ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản ở các địa phương có biển của bạn. Về học viên, TTKNQG sẽ tuyển chọn những cá nhân tiêu biểu, tiên tiến trên khắp 63 tỉnh, thành của cả nước.

Tùng Đinh

Nguồn Báo Nông Nghiệp VN

Bài viết khác