Đây là kết quả sau gần 2 năm hợp tác giữa công ty với đối tác Nhật Bản. Để có thành công trên, Tập đoàn Hồ Gươm đã cùng đối tác khảo sát rất kỹ địa điểm, nguồn nước, chất đất , đầu tư cơ sở vật chất nhà kính hiện đại và áp dụng một quy trình sản xuất nghiêm ngặt.

Những phản hồi ban đầu từ phía khách hàng Nhật Bản về lá tía tô trồng tại Việt Nam là rất tốt và đến thời điểm hiện tại mỗi ngày công ty xuất khoảng vài chục ngàn lá.

Một chi tiết khá bất ngờ được đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ là nhu cầu về lá tía tô của thị trường Nhật Bản lên tới trên 5 tỷ USD/năm. Và giá mỗi chiếc lá tía tô khi bán vào nhà hàng của Nhật Bản lên tới 500-700 đồng/lá.

Rõ ràng câu chuyện lá tía tô mở đường vào Nhật Bản không còn là chuyện “con cá lá rau” nữa. Rộng hơn nó cho thấy tiềm năng rất lớn cho nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản. Nhưng nông sản Việt Nam chỉ có thể vào được thị trường khi chuẩn hoá được theo đúng quy trình và yêu cầu khách hàng.

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm cho biết: Bên cạnh các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật khi trồng, đối với thu hoạch, các lá tía tô phải thu hoạch đúng ngày tuổi và có kích cỡ đều tăm tắp giống nhau, không được rách, nát. Nếu để quá lứa phải hái bỏ các lá đó đi. Yêu cầu về sự đồng nhất từ hình thức đến chất lượng cũng như sự ổn định là rất cao. Chúng tôi phải đặt nguyên một chỗ với hãng hàng không để đảm bảo ngày nào cũng có sản phẩm xuất sang Nhật Bản.

Hiện nay, năng lực sản xuất của Việt Nam khá tốt với 11 nông sản (lúa gạo, cá tra, cà phê, tôm…) có năng suất dẫn đầu thế giới nhưng chất lượng và khâu chế biến, tiêu thụ còn rất yếu. Nói cách khác là chúng ta vẫn quen bán cái mình có mà chưa sản xuất được sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Dẫn tới, từ đầu năm đến nay, thị trường nông sản trong nước đã chứng kiến liên tiếp tình trạng các mặt hàng nông sản, thực phẩm “nghẽn” đầu ra khiến giá bán giảm mạnh và sau đó là các cuộc giải cứu nối tiếp nhau: Chuối (Đồng Nai), dưa hấu (Quảng Ngãi)… Phần lớn các sản phẩm phải giải cứu đều thiếu công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến, không liên kết theo chuỗi.

Điều này thể hiện ở ngay trong cơ cấu bộ máy tổ chức của các cơ quan quản lý. Bộ NN&PTNT cũng như các bộ kinh tế khác, hầu hết các cục, vụ, viện lo quản lý, thúc đẩy khâu sản xuất, nhưng chỉ có rất ít đơn vị lo việc bán hàng, phát triển thị trường, hầu như không có ai nghiên cứu thị trường.