Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Bích T., chủ 1 doanh nghiệp NN ứng dụng công nghệ cao có 4 ha đất trồng rau sạch ở Đơn Dương, Lâm Đồng cho biết, nhiều hộ nông dân, gia đình muốn mở rộng quy mô, tăng diện tích đất làm NN công nghiệp cao đang gặp khó khăn về vốn.
Khó vay tín chấp
“Có những DN nhỏ và siêu nhỏ mà thực chất tài sản chính của họ là sổ đỏ gia đình, khi mang hồ sơ vay đến ngân hàng, cũng bị khước từ bởi không thể thế chấp sổ đỏ chung - cần tiếng nói của nhiều thành viên trong hộ. Hoặc nếu được vay thì được tính giá trị vay bằng 1 phần/ sổ đỏ đất NN , giá trị tài sản trên đất (hoa màu thu hoạch theo vụ/ mùa) không được tính. Có ngân hàng (xin không nêu tên) chia sẻ riêng là nếu đánh giá giá trị tài sản trên đất để cho vay thì ngân hàng sẽ gặp rủi ro rất lớn, ví dụ cho dù là DN ứng dụng công nghệ cao tới đâu nhưng chỉ cần 1 trận thiên tai thời tiết bất thường khiến rau không lớn nổi, hoa không nở đúng vụ thu hoạch… Nhìn chung thì DN, hộ nông dân muốn làm NN công nghệ cao khó “mơ” vay tín chấp”, chị Bích T. nói.
Đạt chuẩn ứng dụng công nghệ cao, bao giờ?
Trong nhiều thước đo thẩm định cho vay nông nghiệp, một ngân hàng cho biết nếu DN có chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sẽ dễ vay vốn hơn. Tuy nhiên, nhiều DN nhỏ, có xuất xứ đi lên từ cơ sở nhà nông thì vẫn chưa biết làm thủ tục cấp chứng nhận này như thế nào.
DN lớn đến đâu, nhu cầu đầu tư mở rộng tới quy mô nào thì tỷ lệ giải ngân sẽ tăng tới đó.
Bộ NN và Phát triển Nông thôn mới đây cũng cho biết trong cả nước, mới chỉ có 28 DN được công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Số lượng này quá thấp so với mục tiêu đề ra . Bộ cũng đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo xây dựng quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên dự thảo đang có nhiều quy định khiến các DN e ngại.
Ví dụ như quy định về tỷ lệ doanh thu thuần (70%) từ sản phẩm ứng dụng công nghệ, hay tỷ lệ chi cho nghiên cứu, ứng dụng thử công nghệ, tỷ lệ trình độ nhân công lao động tại DN... “Tất cả đều là chuẩn dành cho DN lớn. Với những tiêu chí công nhận như dự thảo, sẽ có rất nhiều DN thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, nhiều hộ nông dân muốn lên đời, nhiều DN muốn khởi nghiệp, muốn vay vốn đầu tư từ quy mô nhỏ ban đầu sẽ bị loại ngay từ vòng nộp hồ sơ vay vốn”, ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế cho biết.
Cũng theo ông Minh, về phía người trồng, DN, người nông dân làm NN sạch cũng đang gặp phải những rủi ro như: Đầu tư lớn, giá thành cao, nhưng tiêu thụ chưa chắc đã dễ. Hiện tượng nhiều nông dân từ bỏ trồng rau màu theo chuẩn VietGap để trở về với phương pháp thông dụng thời gian qua cho thấy điều này. Nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ người tiêu dùng trên thị trường hiện nay cũng chưa thể phân biệt sạch - bẩn, vẫn còn tình trạng người bán trộn lẫn, lập lờ đánh lận nông sản bẩn vào sạch, cung cấp thông tin sai lệch về nguồn gốc, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa thể quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp chế tài phù hợp, làm cho người tiêu dùng thiếu niềm tin. Về phía các tổ chức tín dụng, dĩ nhiên họ cũng nhận thấy điều đó và sẽ kiểm soát chặt chẽ, đánh giá mức độ rủi ro cẩn thận khi cho vay loại hình này.
Đừng đưa ra các giải pháp “cào bằng”
Để giải quyết những “nút thắt” này, ông Minh cho rằng: Cùng với chủ trương đúng đắn của nhà nước dành các khoản tín dụng đặc biệt để khuyến khích DN NN công nghệ cao, cần có sự nhất quán đồng bộ của các cơ quan về việc yêu cầu các DN đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận DN NN ứng dụng công nghệ cao một cách phù hợp hơn, và quan trọng, có sự khuyến khích cho những DN thật sự đầu tư nghiêm túc vào NN ứng dụng công nghệ cao, những DN mới bắt đầu... chứ không “cào bằng”. Theo đó, tạo cơ hội và “chuẩn hợp lý” cho các DN nông nghiệp công nghệ cao để từ đó các tổ chức tín dụng có cơ sở để rót vốn cho các DN này theo lộ trình: DN lớn đến đâu, nhu cầu đầu tư mở rộng tới quy mô nào thì tỷ lệ giải ngân sẽ tăng tới đó, không đặt bài toán có “con gà” trước mới có “quả trứng” cũng như ngược lại. Cùng với đó, không để hàng lậu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tiếp tục hoành hành trên thị trường, đặc biệt dành ưu tiên dành cho các DN NN công nghệ cao các kênh phân phối uy tín; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng nông sản ứng dụng công nghệ và NN sạch...