Hội thảo triển vọng thị trường ngành nông nghiệp VN 2017, do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp Vụ Kinh tế tổ chức ngày 24/5.
Xuất khẩu tăng mạnh
Số liệu từ Bộ NN&PTNT vừa cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3/2017 ước đạt 2,9 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2017 đạt 7,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó so với cùng kỳ 2006, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 13,5%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,6%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 12,4%.
Một số mặt hàng chủ yếu tăng như xuất khẩu cà phê tháng 3 năm 2017 ước đạt 162 nghìn tấn với giá trị đạt 365 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 449 nghìn tấn và 1 tỷ USD, giảm 5,4% về khối lượng nhưng tăng 25,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Mặt hàng cao su cũng giữ được đà tăng với giá khối lượng xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 249 nghìn tấn và 510 triệu USD, tăng 1,9% về khối lượng và tăng 90,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Thuỷ sản vẫn giữ “phong độ” với giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3 năm 2017 ước đạt 537 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016…
Đẩy mạnh quan hệ doanh nghiệp – nông dân
Mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh trong quý 1/2017, xong, liên tiếp trong thời gian gần đây, thị trường đã chứng kiến hàng loạt các cuộc “giải cứu” nông sản đáng buồn.
Dẫn lại một số cuộc “giải cứu” nông sản gần đây, TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có năng lực về cung khá tốt. Mỗi khi có thay đổi nhu cầu thị trường, nhất là khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng thì cung trong nước bật lên rất nhanh.
Chính vì vậy, TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách cần phân tích thị trường thấu đáo bởi đôi khi giá nông sản sẽ tiềm ẩn bùng lên trong tương lai. Khi thị trường bùng lên, cần nghĩ tới cách làm mới chứ không nên chạy theo kiểu cũ.
Về dài hạn, ông Tuấn cho rằng cần định vị thị trường nông sản Việt Nam trong thị trường lương thực thực phẩm toàn cầu để phát triển bền vững, tạo thu nhập tốt hơn cho người nông dân.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao.
Đây là điều rất tốt cho ngành nông nghiệp Việt Nam bởi lâu nay chỉ có nông dân và nhà nước lọ mọ với nông nghiệp và tình trạng “giải cứu” cứ liên tục xảy ra. Để hiệu quả hơn, cần đưa doanh nghiệp vào lực lượng “giải cứu” nông sản. Muốn làm được như vậy cần nhìn nhận vấn đề thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp như thế nào? Giải quyết vấn đề sở hữu đất đai ra sao? Tập trung ruộng đất thế nào?. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh mối quan hệ doanh nghiệp – nông dân hơn nữa.