Do đó, các cơ quan chuyên môn cần bình tĩnh và có bước đi chắc chắn, chặt chẽ trong việc đàm phán xuất khẩu thịt lợn chính ngạch sang Trung Quốc thời gian tới.
Khó đi ngược thị trường
Việc giá lợn hơi tại Việt Nam lên đến đỉnh điểm 60.000 đồng/kg rồi liên tiếp giảm sâu xuống dưới 20.000 đồng/kg, sau đó hồi lên được vài giá giờ lại quay về xung quanh ngưỡng 20.000 đồng/kg là đúng với quy luật của kinh tế thị trường. Đến giờ phút này, câu chuyện giải cứu lợn cách đây không lâu gây tranh cãi trong dư luận xã hội là nên hay không đã được thị trường trả lời một cách thỏa đáng.
Tổng đàn lợn nái cũng như đàn lợn thịt của Việt Nam đã dư thừa quá lớn (4,2 triệu nái), trong khi việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc ngày càng khó khăn, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước ngày một giảm thì việc giá lợn lao dốc là chuyện đương nhiên xảy ra.
Giữa tâm chấn của cơn khủng hoảng, từng có rất nhiều chủ trại lợn cùng quẫn quá còn định nghĩ quẩn hô hào nhau tạm dừng bán lợn cho thương lái để tạo ra tình trạng khan hiếm hàng giả, buộc lái buôn phải mua giá cao? Rất may là không ai dám nghe theo kế sách ấu trĩ này, bởi nó là hành động không khác gì đem một hòn sỏi để ngăn dòng nước lũ.
Bình tĩnh đàm phán
Giữa lúc thị trường lợn trong nước quá khó khăn, ngành nông nghiệp cử lãnh đạo liên tục tiếp xúc, đàm phán, làm việc với phía Trung Quốc nhằm mở cửa chính ngạch thị trường cho lợn Việt Nam. Về mặt chủ trương, phía Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đồng ý, nhưng hai bên cần khá nhiều thời gian để thực hiện từng bước các quy định về kiểm dịch, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm cũng như các trao đổi thương mại song phương để hai bên cùng có lợi.
Do đó, người chăn nuôi trong nước không nên quá kỳ vọng có thể xuất khẩu được thịt lợn chính ngạch sang Trung Quốc trong ngắn hạn, thay vào đó cần có những tính toán kỹ lưỡng để đưa ra các quyết định phù hợp và thiệt hại nhỏ nhất.
Trở lại câu chuyện đàm phán xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Trung Quốc, về mặt chủ trương, chúng ta nên đàm phán để đường đường chính chính xuất khẩu thịt lợn chính ngạch sang nước bạn thay vì lùa cả đàn lợn qua đồi, qua núi như hiện nay. Và cũng chỉ có con đường xuất khẩu chính ngạch mới giúp nền chăn nuôi trong nước đủ sức cạnh tranh và hội nhập bền vững sau này. Thực tế, chúng ta đã làm được việc này với sản phẩm lợn choai, lợn sữa.
Tuy nhiên, việc xoay chuyển giá lợn trong ngày một ngày hai chắc chắn là điều khó khả thi nên các cơ quan quản lí nhà nước, cơ quan chuyên môn và chuyên gia được giao trách nhiệm đàm phán với phía Trung Quốc không cần phải quá vội vàng, thay vào đó hãy bình tĩnh nhìn nhận cán cân thương mại trung, dài hạn giữa hai quốc gia để đưa ra các điều khoản, điều kiện có lợi nhất cho quốc gia. Tránh việc đến lúc đàm phán, ký kết song bị hớ, chúng ta không những không xuất khẩu được thịt lợn sang thị trường Trung Quốc mà ngược lại, Trung Quốc thậm chí xuất ngược thịt lợn và thịt gà giá rẻ sang Việt Nam.
Bởi theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, việc giá heo Việt Nam tăng mạnh năm 2015 và nửa đầu năm 2016 do tại Trung Quốc nguồn cung thiếu đột ngột bởi dịch bệnh, giá rét, lũ lụt cộng chính sách đóng cửa và di chuyển các trại lợn gây ô nhiễm môi trường về các vùng nông thôn nên thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua lợn với số lượng rất lớn nhằm bù đắp thiếu hụt ngắn hạn.
Sau khi các trang trại chăn nuôi mới của Trung Quốc đi vào vận hành phục hồi đàn, cơ hội cho lợn Việt Nam sẽ giảm dần do Trung Quốc tăng cường nhập những giống heo có chất lượng tốt, điều kiện chuồng trại cũng tốt hơn, giúp nâng cao chất lượng chăn nuôi, hạ giá thành.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy, kể từ năm 2014 trở lại đây tiêu thụ thịt lợn tại Trung Quốc có xu hướng giảm do tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và cao chuyển sang sử dụng thịt bò, thịt cừu và hải sản thay thế cho thịt lợn. Do đó, mặc dù sản lượng thịt nội địa của Trung Quốc tiếp tục giảm trong năm 2017 nhưng với sự tăng lên trong nhập khẩu thịt và sự suy giảm của tiêu thụ thịt heo thì giá thịt heo tại Trung Quốc được dự báo sẽ sớm hạ nhiệt.
Theo số liệu mới được ghi nhận, hiện thịt lợn hơi tại Trung Quốc đang có giá 13 - 15 nhân dân tệ (khoảng 2 - 2,18 USD/kg, tương đương 40.000 - 48.000 đồng/kg quy ra tiền Việt) và được dự báo sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn trong thời gian tới, nên viễn cảnh lợn hơi Việt Nam bán được giá cao sang thị trường Trung Quốc trong tương lai không thực sự sáng sủa.