|
Chuối mới thu hoạch và chuẩn bị đóng gói trước khi xuất qua Nhật. Ảnh chụp tại trang tại của ông Huy ngày 28-2. Ảnh: NH |
(TBKTSG Online) - Câu chuyện "giải cứu" chuối cho nông dân Đồng Nai thu hút sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng trong mấy ngày qua. Thế nhưng cũng loại chuối ấy ở tỉnh Long An, có trang trại lại đang tất bật, không phải sợ chuối thu hoạch không ai mua mà lo không đủ chuối để bán.
Điều gì đang tạo ra sự khác biệt ấy? Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ lựa chọn thị trường, dẫu đó là thị trường khó tính. Đi kèm với đó là phương thức canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, yếu tố gần như mang tính quyết định trong xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Tại sao "giải cứu"?
Nhiều năm nay, Đồng Nai nổi tiếng với trái chuối có chất lượng cao, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa. Khoảng hai năm trở lại đây khi nhu cầu của thị trường Trung Quốc tăng vọt, người dân ở đây trồng chuối nhiều hơn để xuất sang thị trường này. Nói cho đúng, không chỉ có nông dân Đồng Nai mà nông dân ở các tỉnh thành khác cũng được thương lái đặt hàng trồng chuối để xuất sang Trung Quốc.
Cơn sốt chuối bùng lên, một phần là do thời tiết khắc nghiệt khiến diện tích trồng chuối của Trung Quốc bị ảnh hưởng, một phần vì nước này tạm ngưng nhập khẩu chuối từ Philippines, một trong những quốc gia xuất khẩu chuối lớn của ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành nơi thay thế, cung cấp chuối cho thị trường rộng lớn này. Đó là lý do vì sao giá chuối bán tại vườn tăng liên tục, đỉnh điểm là tháng 10-2016 giá chuối trên thị trường cán mức 15.000 đồng/kg, tăng gấp đôi mức giá trung bình các năm.
Tuy nhiên, bước qua năm 2017, tình hình đã thay đổi khi các tỉnh phía Nam Trung Quốc đã phục hồi được diện tích trồng chuối đã chết trước đây (chuối trồng khoảng 9 tháng là có thể thu hoạch). Thêm vào đó, xuất khẩu chuối của Philippines sang thị trường này cũng đã khơi thông trở lại. Thương lái Trung Quốc ngừng mua, giá chuối quay đầu đi xuống, mở màn cho chiến dịch "giải cứu" chuối như đã thấy thời gian vừa qua.
Tại sao "cháy hàng"?
Năm 2014, phong trào trồng chuối bán sang Trung Quốc đang nở rộ, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, cũng mua đất trồng chuối với chủ đích là xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, ông Huy nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất theo VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sự chuyển hướng đó đã giúp ông tránh được những gì đang đang diễn ra ở Đồng Nai. Năm nay, trang trại chuối của ông dự tính sẽ cho khoảng 8.000 tấn, tăng gấp hai lần sản lượng năm 2016. Từ chỗ xuất toàn bộ chuối sang Trung Quốc, công ty ông hiện nay xuất 90% chuối sang Nhật Bản và Hàn Quốc, còn thị trường Trung Quốc giảm xuống chỉ còn 10%.
Vì thế, trong những ngày này, nếu khách tham quan đến thăm trang trại trồng chuối của ông Huy ở Long An sẽ thấy công nhân làm việc khẩn trương để xuất hàng đi Nhật Bản và Hàn Quốc, chẳng thấy hiện tượng chuối thu hoạch không bán được như ở Đồng Nai.
Lâu nay, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chủ yếu là tiểu ngạch. Nghĩa là, doanh nghiệp, thương lái đưa hàng đến cửa khẩu, giao dịch xong đánh xe về, chỉ cần 2-3 ngày là xong một đơn hàng, sản phẩm chỉ cần nhìn cảm quan bằng mắt để đánh giá, ra giá mua rồi chốt đơn hàng. Nói cách khác, đây là thị trường không đòi hỏi khắt khe đối với nông sản từ Việt Nam, cách bán hàng này cũng như doanh nghiệp bán hàng trong thị trường nội địa khi mua hàng từ các tỉnh khác rồi đưa về TPHCM để tiêu thụ.
Trong khi đó, để xuất sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, trang trại trồng chuối của ông Huy phải trải qua những đợt kiếm tra, đánh giá của đối tác trước khi đặt bút ký hợp đồng.
Ông Huy cho biết, trước khi ký hợp đồng, phía đối tác đã cử một số chuyên gia đến trang trại tham quan quy trình trồng chuối. “Sau khi tham quan và nhìn thấy quy mô trang trại chúng tôi, phía đối tác Nhật Bản không ký hợp đồng ngay, mà lấy mẫu đất và nước về phân tích với 230 tiêu chí khác nhau. Sau khi có kết quả họ mới đồng ý ký hợp đồng mua bán”, ông Huy cho biết.
Bên cạnh đó, khi chuyển hướng xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Huy phải điều chỉnh lại quy trình trồng và thu hoạch chuối. Ông cho biết, nếu xuất sang Trung Quốc, các trang trại không quá chú tâm đến khâu bảo quản sau thu hoạch vì chỉ cần 2-3 ngày là có thể giao hàng. Còn bán sang hai thị trường nói trên, trái chuối từ khi thu hoạch đến lúc nằm trên bàn của người tiêu dùng của nước sở tại phải qua một hành trình dài tương đương 3-4 tuần. Do đó, nếu không đảm bảo được khâu này sẽ không thể xuất khẩu được.
Cơ hội mở rộng thị trường
Ông Huy khẳng định, hiện tại và tương lai, trái chuối của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để xâm nhập các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Về chất lượng, ông Huy cho biết, các đối tác Nhật Bản trước khi ký hợp đồng đã có những khảo sát, nghiên cứu về chất lượng chuối của Việt Nam, Philippines, Indonesia và của một số quốc gia Nam Mỹ. Phía đối tác Nhật Bản đã chuyển cho ông kết quả đánh giá về chuối các nước, trong đó chuối Việt Nam có độ ngọt, độ dẻo hơn hẳn những quốc gia đang xuất khẩu chuối vào Nhật Bản.
Lợi thế của chuối Việt Nam chưa dừng lại ở đó. Xét về giá, chuối Việt Nam dù có chất lượng tốt hơn nhưng giá lại rẻ hơn khoảng 10% so với sản phẩm của các nước đang xuất vào thị trường Nhật Bản. Ông Huy cho biết hiện có một siêu thị đang tìm hiểu để mua số lượng lớn chuối của ông về bán lại.
Theo ông Huy, thay vì quá lệ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc, những người trồng chuối nên tìm kiếm thị trường khác. Thực tế cho thấy, trái chuối Việt Nam có nhiều tiềm năng để xuất khẩu ra các thị trường, có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với chuối Philippines tại nhiều nước trong khu vực.
Vấn đề còn lại, sau câu chuyện giải cứu này, ngành nông nghiệp có sẵn sàng để thay đổi phương thức trồng trọt, canh tác… để tránh phụ thuộc vào một thị trường như cách làm lâu nay hay không. Nếu không thay đổi, câu chuyện “giải cứu" chuối chắc sẽ còn lặp lại như căn bệnh trầm kha của ngành nông nghiệp nước nhà.
http://www.thesaigontimes.vn/157519/Ben-can-giai-cuu-ben-khan-hiem-hang.html
|