Bài học xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan
Bài học xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan
Không những đứng hàng đầu về xuất khẩu, Thái Lan còn thành công xây dựng thương hiệu cho Hom Mali Thái trở thành “loại gạo ngon nhất thế giới”.
Hom Mali hay còn gọi là gạo hoa nhài, là một giống gạo nguyên thủy được phát triển bởi những người nông dân Thái. Ngày nay, Hom Mali được biết đến trên toàn cầu nhờ chất lượng cao, hạt dài, thân tròn và bóng, mùi thơm gần giống lá nếp. Khi nấu chín, gạo vẫn duy trì được màu trắng, hạt dài, không nát, chứa nhiều chất dinh dưỡng như Vitamin B1, B2, sắt, canxi, photpho.
Mỗi năm Thái Lan sản xuất khoảng 3 triệu tấn gạo Hom Mali, chiếm 10% tổng sản lượng sản xuất gạo quốc gia. Trong đó 75% dành cho tiêu dùng trong nước và 25% còn lại dành cho xuất khẩu. Hàng năm loại gạo này mang về cho Thái Lan 20 triệu Bạt (khoảng 630.000 USD) doanh thu. Các thị trường chính là châu Á (60%) và Mỹ (20%).
Mặc dù có nhiều giống Hom Mali khác nhau, nhưng quốc gia này chỉ chính thức lựa chọn và quảng bá giống "Khao Dok Mali 105". Loại gạo này không chỉ mang đến mùi thơm sau khi được nấu chín mà nó còn có vị dẻo đặc biệt, các hạt cơm liên kết với nhau nhẹ nhàng bằng độ ẩm tự nhiên.
Người nông dân thái sảy thóc bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Kasma Loha - unchit |
Để cho ra sản phẩm chất lượng, trong hàng chục năm qua Bộ nông nghiệp và người nông dân Thái đã thay đổi và cải tiến nhiều khâu, trong đó có lưu trữ. Theo đó, gạo được đưa ra thị trường ngay sau khi thu hoạch và được bảo quản đúng cách trước khi tiêu thụ, thay vì làm theo phương pháp cũ là lưu kho từ 5 đến 6 tháng khiến mùi thơm đặc trưng bị mất đi.
Hom Mali vẫn được biết đến là loại gạo nhẹ, nên phải được thu hoạch sớm vào khoảng 20/11 hàng năm. Đây là thời điểm các loại ngũ cốc khác mới chỉ vừa chín chứ chưa thể thu hoạch hoặc tiêu thụ. Trong trường hợp của gạo Hom Mali, nếu đợi để thu hoạch cùng thời điểm với các loại ngũ cốc khác, hạt gạo sẽ bị quá chín và mất đi hương thơm độc đáo.
Các doanh nghiệp cũng đồng hành cùng nông dân trong việc phát triển giá trị xuất khẩu. Siam Organics, một startup thành lập năm 2011 đã hướng dẫn nông dân tại miền Đông Bắc Thái Lan các phương pháp canh tác khoa học để tối đa hóa năng suất trên nền đất kém dinh dưỡng tại khu vực này. Song song với đó, Siam Organics hướng dẫn họ kỹ thuật, truyền đạt kiến thức về tiêu chuẩn sản phẩm và kết nối với người tiêu thụ.
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo
Để khẳng định giá trị của gạo Hom Mali, chính phủ nước này cũng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt như gạo phải được trồng ở Thái Lan và có chứng nhận của cơ quan nông nghiệp, mỗi hạt có chiều dài không dưới 7mm, chiều rộng không nhỏ hơn 3mm, hàm lượng Amylose (tinh bột) phải nằm trong khoảng 12 đến 19% và độ ẩm không được vượt quá 14%.
Theo chính phủ nước này, gạo Hom Mali hiện được bày bán toàn cầu dưới nhiều cái tên khác nhau như gạo thơm, gạo hương, gạo Hom Mali. Điều này gây hoang mang cho người tiêu dùng bởi không có một tiêu chuẩn hoặc dấu hiệu nào để nhận biết loại gạo thực sự chính thống của Thái.
Gạo Hom Mali của Thái được bán trong hệ thống siêu thị Walmart của Mỹ. Ảnh: Walmart |
Vào năm 2000, Bộ Thương mại Thái Lan đã đệ đơn kiện lên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ khi một số nhà khoa học nước ngoài đã sáng chế ra loại gạo có hương vị giống gạo Hom Mali và chuẩn bị đăng ký sáng chế. Đại diện phía Thái Lan đã khởi kiện và cho rằng đây là sự bất công đối với các đơn vị xuất khẩu gạo của nước này và họ đã thắng kiện.
Bộ Ngoại Thương Thái Lan cũng ban hành con dầu chứng nhận xuất xứ của gạo Hom Mali, để nhận biết những loại gạo có nguồn gốc từ Thái Lan. Con dấu này đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Thương mại tại tất cả các quốc gia nhập khẩu gạo của Thái. Đây là một trong những nước đầu tiên đăng ký nhận diện thương hiệu quốc gia cho một loại cây trồng bản địa.
Vi Vũ
Bài viết khác
Tại Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững", Chuyên gia Kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã trình bày tổng quan về
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Chiều 14-11, UBND tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Lễ ký kết được tổ chức