8 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Ai Cập đạt 323,6 triệu USD
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ai Cập ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2024 do Ai Cập đã từng bước giải quyết được cuộc khủng hoảng thiếu ngoại tệ kéo dài trong 2 năm qua.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam sang thị trường Ai Cập đạt 323,6 triệu USD, tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng tháng của 3 tháng gần nhất đều ghi nhận tăng trưởng trên 15% so với các tháng cùng kỳ của năm 2023. Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng trưởng tốt bao gồm cà phê (đạt 35,8 triệu USD, tăng 26%), hạt tiêu (20,4 triệu USD, tăng mạnh 102%), hạt điều (7,8 triệu USD, tăng 17%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (29,1 triệu USD, tăng 13,7%), phương tiện vận tải và phụ tùng (24,7 triệu USD, tăng 13,7%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (36,9 triệu USD, tăng 34,6%) và hàng dệt, may (12 triệu USD, tăng 97,1%). Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản đã tăng trở lại (đạt 27 triệu USD, tăng 6,7%) sau khi sụt giảm trong các tháng đầu năm.
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu chưa phục hồi bao gồm xơ sợi dệt các loại (13,1 triệu USD, giảm 18,9%), điện thoại các loại và linh kiện (42,3 triệu USD, giảm 14,9%) và kim loại thường khác và sản phẩm (3 triệu USD, giảm 64,7%).
Về thông tin thị trường, theo Thương vụ Việt Nam tại Ai Câp, tính đến ngày 30/6/2024, Ai Cập áp thuế chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine tuy nhiên trong danh sách không có mặt hàng nào của Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá khi nhập khẩu vào Ai Cập.
Ai Cập cũng duy trì biện pháp PVTM đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu trong thời gian dài như lốp xe buýt và xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan (áp thuế chống bán phá giá áp dụng từ tháng 3/2021 đến nay); hợp kim sắt từ Trung Quốc, Ấn Độ (áp dụng từ tháng 4/2021); thép dạng thanh hoặc dạng que từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine (từ tháng 12/2017); hợp kim sắt từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ (từ tháng 4/2021).
Về quy định mới tại nước này, Thương vụ lưu ý hai quy định với doanh nghiệp thủy sản, và doanh nghiệp xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa như sau:
- Nghị định số 361/2024 ngày 27/6/2024 của Bộ Công Thương Ai Cập về tăng thời hạn sử dụng đối với cá đông lạnh nhập khẩu từ 6 tháng lên 10 tháng và gan bò đông lạnh nhập khẩu từ 7 tháng lên 12 tháng kể từ ngày giết mổ và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 đến 31/12/2024;
- Tổng cục Dịch vụ Thú y (GOVS) thuộc Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất Ai Cập ngày 19/9/2024 thông báo tiếp tục gia hạn thời gian chưa áp dụng chứng chỉ Halal bắt buộc đối với sữa và các sản phẩm từ sữa nhập khẩu vào Ai Cập cho đến hết ngày 31/12/2025.
Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập
Bài viết khác
Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, sự phát triển của ngành nông nghiệp còn góp phần quan trọng sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trước thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang diễn ra cấp bách thì vi
Ngày 25/10, tại ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên vận chuyển gần 70 tấn dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Ngày 24/10, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 46 dưới sự chủ trì của Myanmar tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các bên tham gia đã xác định 8 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác nông nghiệp khu vực.