6 giải pháp giúp ngành nông nghiệp tăng tốc


 

Dù đối mặt nhiều thách thức, nông nghiệp Việt vẫn đạt tăng trưởng ấn tượng, xuất khẩu nông sản lập kỷ lục mới.

Ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp
Ứng dụng khoa học công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp

 

Chủ động xử lý tình huống bất thường

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, thiên tai và biến động thị trường. Dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nông dân và doanh nghiệp, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Mặc dù phải đối mặt với hạn hán, mưa bão, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực từ cơn bão số 3, ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, tạo lập nhiều kỷ lục mới. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3% , tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7% ; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD , tăng 46,8%.

Ông Phùng Đức Tiến cho biết, bất chấp những thách thức từ thời tiết khắc nghiệt và các sự kiện bất ngờ, ngành đã chủ động thích ứng và đạt được các mục tiêu tăng trưởng.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được cải thiện, hướng tới các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và cạnh tranh trên thị trường. Năng suất và sản lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi đều tăng trưởng so với năm trước. Đặc biệt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và các mô hình nông nghiệp hiện đại đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ, ngành đã nhanh chóng khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường.

Những kết quả đạt được cho thấy sự chuyển dịch tích cực trong tư duy sản xuất của người nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và hiệu quả. Việc tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần nâng cao vị thế của ngành hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hướng tới nông nghiệp giá trị cao

Năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ tập trung mọi nguồn lực để bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII). Trọng tâm là chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững.

Thời gian tới, theo ông Tiến, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.

Một số chỉ tiêu cụ thể như tăng trưởng GDP đạt 3,3 - 3,4%; xuất khẩu nông sản đạt 64 - 65 tỷ USD, che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42,02% và 60% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, toàn ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao và công nghệ sạch vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và quốc tế. Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, kết nối chặt chẽ với hệ thống logistics hiện đại.

Ngành nông nghiệp đổi mới tổ chức sản xuất bằng việc phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo ra các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững.

Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, đào tạo các kỹ năng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững, bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống người dân.

Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, nhằm nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Hải Yến 

Theo: thoibaonganhang.vn

Bài viết khác