Nông nghiệp là động lực quan trọng đối với tăng trưởng và giảm nghèo
Theo nhìn nhận của ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, khi Việt Nam bắt đầu phục hồi trở lại sau đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng một thập kỷ, thì vai trò của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế và khả năng đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao đã nhận được sự quan tâm cao hơn về chính sách.
Trước đây, nông nghiệp là động lực quan trọng đối với tăng trưởng và giảm nghèo. Việc dỡ bỏ rào cản thương mại và sản xuất hợp tác xã vào cuối thập niên 1980, đầu 1990 đã khuyến khích tập trung nguồn vốn con người và vật chất vào ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản lượng tăng cao.
Tuy nhiên, công cuộc đổi mới ngành nông nghiệp trước đây chỉ phát huy tác dụng được một lần, và không có tác dụng nhiều trong việc cải thiện năng suất canh tác trên mỗi người lao động. Do vậy, kể cả 20 năm sau đổi mới, Việt Nam vẫn là nước có năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp nhất trong khu vực.
Ông Eric Sidgwick khẳng định: “Chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp làm cho nông nghiệp trở nên hiệu quả và bền vững hơn là yếu tố thiết yếu để nâng cao tăng trưởng GDP cho Việt Nam, giúp cho Việt Nam trở thành nước có vị thế thu nhập trung bình cao”.
Để đạt được sự chuyển đổi này, ông Eric Sidgwickcho rằng Việt Nam phải giải quyết được bốn thách thức chính sách quan trọng.
Thách thức thứ nhất là cấu trúc thị trường và khả năng cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhà nước đang thống lĩnh nguồn cung yếu tố đầu vào, chế biến sau thu hoạch và tiếp thị sản phẩm. Doanh nghiệp nhà nước cũng độc quyền bán buôn, đồng nghĩa với việc một phần lớn giá cả sản phẩm đầu ra thuộc về các chủ thể trung gian kém hiệu quả. Điều này làm giảm thu nhập của người nông dân và giảm động cơ đầu tư.
Thứ hai, cần tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng tích hợp để duy trì tăng trưởng mạnh trong ngành nông nghiệp. Cần tăng đầu tư công để vừa duy trì cơ sở hạ tầng nông thôn hiện có, vừa xây dựng hạ tầng mới trong các lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, xử lý và bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, người nông dân cần áp dụng các công nghệ và phương pháp cải tiến mang lại năng suất cao hơn và thân thiện môi trường hơn trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa các viện nghiên cứu nông nghiệp và nhà nông.
Yêu cầu thứ ba là phải quản lý tài nguyên bền vững hơn, trong đó phải có các chính sách khuyến khích tích tụ đất đai thành các khu vực canh tác có diện tích lớn hơn.
Thực tế cho thấy, trên 80% số thửa đất canh tác ở Việt Nam có diện tích dưới 1 ha. Người nông dân sống dựa ngày càng nhiều hơn vào các thửa đất canh tác nhỏ, sử dụng ngày càng nhiều phân bón hoá học để tăng năng suất mà ít tính đến ảnh hưởng lâu dài đến môi trường.
Bên cạnh đó, chất lượng nước ngày một xấu đi là một mối quan ngại đặc biệt lớn. Nông nghiệp đã sử dụng đến 82% lượng nước ngọt của Việt Nam. Ô nhiễm nước trên các dòng sông ở Việt Nam đang đe doạ sự bền vững trong sử dụng nước cho hoạt động nông nghiệp.
Cuối cùng, cần cấp thiết giải quyết những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp. Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, và nông nghiệp càng đứng trước nguy cơ lớn hơn, vì nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện khí hậu và sinh thái nông nghiệp ổn định.
Ngoài nguy cơ hạn hán, tài nguyên nước còn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xu hướng biến động dòng chảy ngày càng tăng của hệ thống sông ngòi, buộc người nông dân phải lệ thuộc nhiều hơn vào nước ngầm. Thuỷ sản và các nguồn lợi ven biển cũng rất dễ bị tổn thương trước thay đổi nhiệt độ, tình trạng úng lụt mất kiểm soát và xâm nhập mặn.
“Để chuẩn bị đầy đủ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ, đảm bảo sao cho các cân nhắc về biến đổi khí hậu được lồng ghép đầy đủ vào công tác hoạch định chính sách, ưu tiên cho các dự án đầu tư xanh, thông minh như cải thiện quy hoạch tài nguyên nước và sử dụng nước hiệu quả hơn” - Ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.