3.000 tỷ đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình
3.000 tỷ đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình
24/02/2017 4:36 Chiều
(DĐDN) – Sáng 24/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chính thức phát lệnh khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại tỉnh Thái Bình.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện đang là hoạt động được Chính phủ và ngành nông nghiệp dốc sức triển khai; coi công nghệ cao là khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, chủ lực của các tỉnh, thành phố và địa phương.
Thực hiện chủ trương này, ngày hôm nay (24/2), tập đoàn TH phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức Lễ Khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao, tại xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và vận hành bởi Công ty cổ phần sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF).
Dự án có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000ha. Trong số đó diện tích sản xuất rau, củ quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000ha. Tập đoàn đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.
Tập đoàn TH đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm . Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn Organic (hữu cơ) theo hướng “5 không” (không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen).
Tiến trình sản xuất áp dụng quy trình kiểm soát dịch hại tổng hợp (nguồn giống được lựa chọn kỹ càng có sức đề kháng cao và không mang mầm bệnh; đất trồng, nước tưới an toàn; phương pháp canh tác khoa học có nhật ký hành trình theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây cũng như thu hoạch, sơ chế, bảo quản và phân phối, luôn đạt yêu cầu cao về tính kỷ luật và tuân thủ). Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.
Bà Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho biết, ngay từ khi triển khai Dự án sữa tươi sạch TH true Milk, tập đoàn TH đã xác định: “Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong nông nghiệp công nghệ cao, không thể lấy trụ cột là nông dân mà phải bằng chính sách để lôi kéo những doanh nhân có đủ tâm, trí, lực vào lĩnh vực này. Chính doanh nghiệp mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng”.
Đánh giá cao sự quyết tâm đầu tư một dự án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp sạch của Tập đoàn TH, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện đang là hoạt động được Chính phủ và ngành nông nghiệp hết sức quan tâm, dốc sức triển khai. Đây được xem là khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, chủ lực của các tỉnh, thành phố và địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đây là dự án công nghệ đầu tiên trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh, khi đi vào hoạt động sẽ giúp xây dựng và phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ hữu cơ trong sản xuất rau củ quả và lúa chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời cung ứng ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng tốt, bảo đảm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước xuất khẩu.
Dự án được triển khai đã chứng tỏ, khẳng định chủ trương nhất quán và quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh về đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển bền vững, tạo chuyển biến rõ nét về tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền nông nghiệp Thái Bình.
Nha Trang
Bài viết khác
Tại Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững", Chuyên gia Kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã trình bày tổng quan về
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Chiều 14-11, UBND tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ cùng xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh. Lễ ký kết được tổ chức