Sản phẩm hữu ích này là của hai sinh viên là Phan Thanh Phong (ĐH Văn Hiến) và Lê Hoàng Tuấn (ĐH kinh tế - tài chính TP.HCM).
1 tháng được 10kg rau
Sản phẩm của nhóm là sự kết hợp của hệ thống Aquaponic và thủy canh, sử dụng dung dịch thủy canh trên nền sỏi đất nung vừa đạt được năng suất cao vừa mang lại sự tiện lợi.
Theo Phong, yếu tố vượt trội của hệ thống là áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Người sử dụng chỉ cần gieo hạt và thu hoạch còn lại thiết bị sẽ tự làm.
Khách hàng mua thiết bị về chỉ cần cho nước, dung dịch dinh dưỡng vào khay theo mức quy định, cho vào tủ chọn loại cây trên màn hình, nhấn nút khởi động vậy là kết thúc quá trình. Sau đó người sử dụng chờ đến lúc thu hoạch
“Thiết bị còn có phiên bản điều khiển quan điện thoại thông minh, đánh vào phân khúc khách hàng trồng rau tại nhà khi được trang bị vỏ ngoài bằng gỗ sang trọng, hệ thống led nông nghiệp và điều hòa nhiệt độ”- Phong chia sẻ.
Sản phẩm này có thể cho năng suất vượt trội nhờ điều chỉnh được hệ thống đèn led để cây quang hợp, hàm lượng dinh dưỡng và nhiệt độ tối ưu cho cây phát triển. Với kích thước tủ ngang 0.5 m x dài 1m x cao 1m2, năng suất rau mổi tháng là 7 - 10kg mỗi loại, điện năng tiêu thụ chỉ 20.000 đồng/tháng.
Rau được trồng trong tủ gần như không thể bị sâu bệnh do được trồng khép kín. Người dùng chỉ cần cài đặt thời gian tưới phù hợp để cây không bị úng nước hay thời gian quan hợp tiêu chuẩn thì hầu như cây không hề mắc bệnh.
Sự hợp tác của “cặp bài trùng”
Hai chủ nhân của Smart Farm tỏ ra rất “tâm đầu ý hợp” khi mỗi thành viên đều có một thế mạnh riêng, hỗ trợ đắc lực cho nhau.
Tuấn là người đảm nhận mảng kỹ thuật sản xuất sản phẩm. Chàng sinh viên này có kiến thức về kỹ thuật có thể tự thiết kế làm sản phẩm mới nhanh chóng, tự khắc phục hoàn thiện sản phẩm. Tuấn cũng là người có kinh nghiệm gia công làm theo đơn đặt hàng nhiều sản phẩm điện tử.
Còn Phong là thành viên có “gốc gác” làm nông nghiệp, có kiến thức trồng cây, hiểu được những đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Ngoài ra, Phong còn đảm nhiệm nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm,… Sở dĩ Phong đảm nhận công việc này vì đã có thời gian làm việc tại 5 doanh nghiệp lớn nhỏ.
“Phát triển một dự án, việc kiếm cho mình một cộng sự đắc lực là điều rất quan trọng. Không ai có thể giỏi trong nhiều lĩnh vực, vì thế, mỗi người cần phải có những đồng sự để hỗ trợ nhau thực hiện. Nhóm em may mắn vì có sự hỗ trợ cho nhau như vậy”- Phong kể.
Tại cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp do ĐH Văn Hiến tổ chức, ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng - chuyên gia công nghệ băn khoăn: “Với một sản phẩm có hàm lượng công nghệ lớn và mới mẻ như vậy, bài toán thị trường sẽ được tiếp cận thế nào?”.
Phan Thanh Phong chia sẻ ngay, nhóm sẽ tinh gọn lại một số chi tiết của sản phẩm nhằm hạ giá thành xuống dưới 1 triệu đồng để dễ tiếp cận thị trường hơn. Ngoài ra, nhóm sẽ cho khách hàng sử dụng sản phẩm để tiếp thu phản hồi, hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.
“Dự án đang thiếu nguồn vốn để hoạt động và sản xuất sản phẩm nên yêu cầu kêu gọi vốn rất cao, chỉ cần gọi vốn từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, dự án có thể nhanh chóng thực hiện chiến lược thương mại”- Phong trăn trở.
Dự án Smart Farm xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp năm 2017 do ĐH Văn Hiến tổ chức, với sự đồng hành của Tạp chí Khám phá. Ngoài ra, dự án này còn giành được giải Đồng hành do Tạp chí Khám phá trao tặng.