DAA Việt Nam XTTM tại Tứ Xuyên, Trung Quốc - Mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược


Từ ngày 28/9 đến 4/10/2024, đoàn đại diện DAA Việt Nam đã có chuyến công tác tại các thành phố: Thành Đô, Đức Dương, Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Mục tiêu chuyến đi nhằm khảo sát, tìm hiểu và kết nối cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác khu vực tây nam Trung Quốc nói chung và tỉnh Tứ Xuyên nói riêng.

Đoàn đại biểu DAA tham gia chuyến công tác có Chị Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch DAA Việt Nam. Chị Phạm Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch DAA Việt Nam, chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch DAA Việt Nam, Anh Đỗ Hữu Lương, Phó Chủ tịch DAA Việt Nam, Chị Nguyễn Nam Phương Thảo, Ủy viên BCH DAA Việt Nam cùng các thành viên khác từ các doanh nghiệp hội viên khác của DAA Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Tứ Xuyên lần này, đáng chú ý là tại thành phố Thành Đô, đoàn đã có buổi làm việc, trao đổi trực tiếp ông Phạm Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban XTTM tỉnh Tứ Xuyên (CCPIT Tứ Xuyên), qua trao đổi phía CCPIT Tứ Xuyên đã thông tin cho đoàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngoại thương tỉnh Tứ Xuyên trong năm 2023; Bạn cho biết GDP tỉnh Tứ Xuyên năm 2023 đứng thứ 5 toàn Trung Quốc, GDP đạt trên 850 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 6%. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa tỉnh Tứ Xuyên với Việt Nam đạt trên 11 tỷ USD, tăng trưởng 13.8%, trong đó tỉnh Tứ Xuyên xuất khẩu sang Việt Nam đạt khoảng 6.8 tỷ USD tăng 8.8%, Việt Nam xuất khẩu sang tỉnh Tứ Xuyên đạt trên 4.3 tỷ USD tăng 22.9%. 

  Tại đây, hai bên đã đề xuất và thảo luận một số nội dung quan trọng như sau:

- Đi sâu kết nối hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, phát huy ưu thế bổ sung lẫn nhau, như: Việt Nam có thế mạnh hàng nông sản (gạo, rau củ quả, thủy hải sản, cà phê...) xuất khẩu sang thị trường tỉnh Tứ Xuyên với dân số 91 triệu người, phủ sóng liên kết vùng lân cận với thị trường khoảng 400 triệu người; tỉnh Tứ Xuyên có thế mạnh là trung tâm phát triển ngành khoa học công nghệ và chế tạo máy móc của Trung Quốc.

- Tìm kiếm cơ hội hợp tác hai bên thông qua các diễn đàn, kênh Hội chợ, hội thảo nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.

- Hai bên phối hợp phát huy vai trò chức năng là cầu nối hỗ trợ, phục vụ cho doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác có hiệu quả thiết thực.

Sau khi kết thúc tốt đẹp buổi làm việc với CCPIT tỉnh Tứ Xuyên, Đoàn đã tiến hành đi khảo sát thực tế tại Chợ đầu mối Vũ Nhuận thuộc Trung tâm giao dịch sản phẩm nông sản Vũ Nhuận tỉnh Tứ Xuyên, chợ đầu mối Vũ Nhuận có nhu cầu nhập khẩu khối lượng lớn các mặt hàng trái cây Việt Nam như: thanh long, sầu riêng, năm 2023 nhập khẩu từ 30-35 nghìn tấn. Ngoài ra, phía chợ đầu mối còn thông tin về nhu cầu nhập khoai lang tím của Việt Nam khoảng 100 nghìn tấn/năm.

Theo lịch trình, đoàn tiếp tục khảo sát Cảng logistics đường sắt quốc tế tại thành phố Đức Dương, tỉnh Tứ Xuyên. Cảng đường sắt Đức Dương là một trong những hạng mục trọng điểm của tỉnh Tứ Xuyên được quy hoạch với công năng logistics hiện đại, thương mại quốc tế và khu cảng tạm thời cho ngành chế tạo... Cảng đường sắt Đức Dương là điểm kết nối của tuyến vận tải đường sắt kết hợp đường biển từ Tứ Xuyên đến cảng biển Khâm Châu (Quảng Tây) với tuyến vận tải đường sắt Trung Quốc đến Châu âu.

Tại thành phố Miên Dương, Đoàn đã dự Lễ khai mạc hội chợ thực phẩm quốc tế Miên Dương và tiến hành buổi làm việc, trao đổi giao thương với gần 30 doanh nghiệp thành phố Miên Dương, 8 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình đến thị trường tỉnh Tứ Xuyên. Đây là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới; buổi chiều cùng ngày Đoàn đã đến khảo sát chợ đầu mối Thiên Thái thuộc Trung tâm thực phẩm quốc tế Thiên Thái, thành phố Miên Dương. Qua trao đổi với doanh nghiệp và Chợ đầu mối Thiên Thái, hai bên đã thống nhất triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Miên Dương, thành phố có kinh tế phát triển của tỉnh Tứ Xuyên, chỉ đứng sau thành phố Thành Đô. DAA Việt Nam cam kết sẽ phối hợp với Trung tâm để tổ chức các sự kiện giao thương, hội thảo và triển lãm sản phẩm, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên.

Chuyến công tác lần này không chỉ khẳng định vai trò của DAA trong việc kết nối doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Trung Quốc mà còn mở ra nhiều cơ hội đầu tư và hợp tác chiến lược. DAA Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ thương mại mạnh mẽ và bền vững với các đối tác tại Trung Quốc, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững

VP DAA Việt Nam.

Bài viết khác