Xuất khẩu gạo Việt Nam: “Cánh cửa” ngày càng hẹp


Xuất khẩu gạo Việt Nam: “Cánh cửa” ngày càng hẹp

28/02/2017 10:28 Chiều

 

(DĐDN) – Xuất khẩu gạo liên tục giảm cả về sản lượng và giá trị đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho ngành gạo Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN&PTNT) vừa công bố, tổng khối lượng gạo các doanh nghiệp đã xuất khẩu trong tháng Hai năm nay đạt khoảng 462.000 tấn với giá trị đạt 104 triệu USD.

Trước đó, trong tháng 1/2017, thống kê cho thấy xuất khẩu gạo “rơi tự do” xuống mức 325.000 tấn, giảm 30 % so với cùng thời điểm năm 2016, giá trị đạt 137 triệu USD giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong tháng 1, hai thị trường nhập khẩu gạo nhiều nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Philippines đều tăng trưởng mạnh, trong đó, xuất sang Trung Quốc đạt kim ngạch 88,9 nghìn tấn, trị giá 41,8 triệu USD, tăng tương ứng 44,6% và 54,8% so với cùng kỳ. Còn kim ngạch xuất sang Philippines tăng 39,6% về lượng và 23,3% về giá trị khi đạt 87,1 nghìn tấn và 33,1 triệu USD.

Như vậy, tổng khối lượng xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm đạt gần 790 nghìn tấn, trị giá 248 triệu USD, giảm 17,2% về khối lượng và giảm 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân được các chuyên gia cho rằng, do các nước đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch nội địa, tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu…. Mặt khác, nguồn cung của các nước từ các cây lương thực khác khá dồi dào, giá rẻ… đang thách thức ngành xuất khẩu lúa gạo nước ta.

Đơn cử như việc Thái Lan xả kho gạo được cho là sẽ khiến xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam tiếp tục giảm. Chưa hết, theo các doanh nghiệp, họ đang rất vất vả để tồn tại và phải cạnh tranh gay gắt với gạo trắng của Thái Lan ở những thị trường vốn là “sân nhà” của mình như Châu Phi. Ở thị trường này, vài năm trước gạo trắng của Việt Nam còn có “cửa”, nay với chiến lược mới là xả kho gạo và hạ giá thành, gạo trắng Thái Lan đã chiếm lĩnh gần như hoàn toàn ở thị trường châu Phi, các doanh nghiệp Việt có chăng chỉ có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu gạo thơm.

Cùng với đó, các nước nhập khẩu gạo truyền thống như Indonesia, Philippines đã có chiến lược tự cung lúa gạo. In-đô-nê-xia là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, vào năm 2011 là 3,1 triệu tấn; tuy nhiên, năm 2013 chỉ còn có 650 nghìn tấn. Indonesia tuyên bố năm 2017 sẽ không nhập khẩu gạo, vì sản xuất trong nước đã đủ dùng.

Theo dự báo của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO), sản xuất gạo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh trong các năm tới nhờ việc gia tăng diện tích trồng lúa, số vụ trồng lúa và cải thiện năng suất trồng trọt. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ gạo trên toàn cầu chỉ tăng chậm đến năm 2030, sau đó sẽ chuyển sang xu hướng giảm.

Trong khi đó, các nước xuất khẩu gạo mới nổi lại đang có mức tăng trưởng mạnh mẽ như Ấn Độ, Campuchia và Myanmar .

Như vậy, có thể nói “mảnh đất màu mỡ” mà trước giờ chỉ có Việt Nam và Thái Lan chiếm lĩnh nay đã “chia năm sẻ bảy”. Với tình hình thị trường không mấy sáng sủa này, Hiệp hội Lương thực VN từng đưa ra dự báo sản lượng xuất khẩu gạo năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt mức trên 5 triệu tấn.

Thống kê năm 2016 cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 4,88 triệu tấn, giảm 25,8% và giá trị đạt 2,2 tỷ USD, giảm 21,2% so với năm 2015.

Điều đáng lưu ý hơn, theo nhiều chuyên gia, nông dân Việt đang sản xuất lúa gạo theo mô hình chú trọng vào năng suất cao, mà quên đi giá trị về chất lượng hạt gạo. Chính điều này khiến Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng sản xuất gạo dư thừa, chất lượng gạo thấp, tạo ra hệ lụy xấu cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp và đời sống của nông dân.

Chủ đề “lối ra” cho hạt gạo Việt đã từng được bàn luận sôi nổi từ lâu với những vấn đề lớn như thị trường, cạnh tranh, chất lượng  sản phẩm, chính sách. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng có chỉ đạo cụ thể về vấn đề này trong một hội nghị của ngành NN&PTNT, cần thay đổi căn bản ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo cần phải thiết lập chuỗi liên kết ngành giữa doanh nghiệp và nông dân, dỡ bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp sản xuất chất lượng cao, đồng thời xem xét lại chính sách hạn điền.

Thanh Hà
http://enternews.vn/xuat-khau-gao-viet-nam-canh-cua-ngay-cang-hep.html

Bài viết khác