Vẫn đang "gỡ khó" cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Vẫn đang "gỡ khó" cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã và đang tăng cường các biện pháp giám sát hàng hóa nhập khẩu gây khó cho xuất khẩu của Việt Nam ...
Chính phủ Trung Quốc đã và đang tăng cường các biện pháp giám sát hàng hoá nhập khẩu
Chính phủ Trung Quốc đã và đang tăng cường các biện pháp giám sát và hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu nói riêng, gây ra những khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Đó là thông tin được Bộ Công Thương nêu tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.
Theo đó, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo ổn định cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy hải sản và các mặt hàng khác của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Văn bản trả lời nhấn mạnh, Trung Quốc với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có quy mô dân số gần 1,4 tỷ dân đang và sẽ là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với hàng nông thủy sản xuất khẩu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng do giá cả cạnh tranh và phù hợp với thói quen tiêu dùng của Trung Quốc.
Trong năm qua đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của các mặt hàng nông lâm thủy sản, hải sản xuất khẩu sang Trung Quốc như thủy sản (tăng 61,24%), rau quả (tăng 50,85%), gạo (tăng 35,74%)…
Đây là một thành tích đáng mừng của xuất khẩu Việt Nam, góp phần quan trọng giảm nhập siêu từ địa bàn này, Bộ Công Thương đánh giá.
Tuy nhiên, cơ quan trả lời kiến nghị cũng cho biết, cùng với sự đi lên của nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã và đang tăng cường các biện pháp giám sát và hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu nói riêng, điều này đã gây ra những khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo ổn định cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 9/ 2016 nhằm hỗ trợ các địa phương giáp biên với Trung Quốc trong hoạt động xuất khẩu nông sản. Trong đó có tổ chức hội nghị kết nối thương nhân xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản từ vùng sản xuất của Việt Nam với thị trường Trung Quốc tại tỉnh Cao Bằng. Xây dựng quy hoạch chợ biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao đổi, vận động phía Trung Quốc tháo gỡ rào cản kỹ thuật cho thủy sản (nghêu, cá đồng, cá rô đồng, cá tầm), đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục cho phép sữa và các sản phẩm sữa, lợn sống và thịt lợn, trái cây tươi (măng cụt, roi, bưởi, na, chanh leo...) được xuất khẩu vào Trung Quốc.
Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống quản lý, việc tuân thủ quy trình xông hơi khử trùng và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, tránh những sai sót có thể phát sinh rủi ro, bất lợi đến tiến độ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc, trên quan điểm cần tiếp tục thực hiện quy định hiện hành về xông hơi khử trùng tại Nghị định thư được ký kết vào tháng 5/ 2016, không để phía Trung Quốc yêu cầu thêm thủ tục, gây bất lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Công việc tiếp theo được thực hiện là trao đổi, vận động phía Trung Quốc chỉ định bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung. Cụ thể hóa bản ghi nhớ về thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, tổ chức kết nối giao thương đối với gạo, trái cây, thủy sản còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu tại Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Tây Nam (Tứ Xuyên, Trùng Khánh), Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc. Triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động để phát triển thị trường Trung Quốc trong tổng thể "Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng phê duyệt.
Phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp tăng cường tận dụng C/O mẫu E để tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch cũng là công việc được Bộ tiến hành để gỡ khó cho nông sản xuất khẩu.
Bên cạnh đó, theo văn bản trả lời cử tri, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Sở Thương mại Quảng Tây để tiếp tục hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả hơn nữa trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để nhập khẩu nông sản, trái cây tươi của Việt Nam.
Hai bên đã ký biên bản tọa đàm về hợp tác phát triển thương mại biên giới, trong đó thống nhất đưa ra giải pháp phối hợp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam và Trung Quốc như mở rộng mặt hàng trái cây tươi xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung.
Thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp, thường xuyên trao đổi để thống nhất giải pháp xử lý đối với các vấn đề phát sinh và triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản để phát triển thị trường Trung Quốc, Bộ hồi âm kiến nghị của cử tri.
Bài viết khác
Ngày 28/8, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M’Drắk) đã tổ chức Lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm chuối đầu tiên sang thị trường Mông Cổ.
Từ ngày 25 – 29/7/2024, tại Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Lào, thủ đô Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024 (VIETLAO EXPO). Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất do Bộ Công Thương hai nước Việt Nam
Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2024 đang chính thức mở cổng đăng ký, hứa hẹn là bệ phóng hoàn hảo để khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu của bạn!