Tái cơ cấu nông nghiệp: hướng đến thị trường Trung Quốc - tiêu điểm của thị trường nông sản thế giới


Tái cơ cấu nông nghiệp: hướng đến thị trường Trung Quốc - tiêu điểm của thị trường nông sản thế giới

Nguyễn Đình Bích
Chủ Nhật,  6/5/2018, 18:55 
 
Dù Trung Quốc đang tiệm cận ngưỡng để được xếp vào danh sách các quốc gia công nghiệp nhưng mức tiêu dùng của người Trung Quốc vẫn mang nặng tính chất “ăn no” nhiều hơn là “ăn ngon”, trong khi tiềm năng để chuyển hướng nền nông nghiệp đáp ứng nhu cầu “ăn ngon” của chính Trung Quốc có lẽ đã cạn kiệt. Ảnh: NGUYỄN NAM

LTS: Chúng ta đang tái cơ cấu nông nghiệp, mà để tái cơ cấu thành công thì phải có thị trường cho sản xuất, trong đó, thị trường xuất khẩu là đặc biệt quan trọng.

Cho dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc chinh phục thị trường nông sản thế giới, nhưng  nếu không tiếp tục tăng tốc, không thể kỳ vọng nền nông nghiệp của nước ta phát triển nhanh trong những năm tới. Tiền đề không thể thiếu để kỳ vọng là định hướng trúng xu thế phát triển của thị trường nông sản thế giới.

Ông lớn “độc nhất vô nhị”

Theo số liệu thống kê của WTO, dù thị trường hàng hóa nói chung của thế giới trong 10 năm qua (2007-2016) vẫn tiếp tục “tụt dốc không phanh” với tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ 2,8%/năm, thị trường nông sản lại hồi phục rất rõ ràng với mức tăng trưởng 8,3%/năm. Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản năm 2016 của thế giới đã đạt gần 1.600 tỉ đô la Mỹ.

Thế nhưng, cho đến nay, đây cơ bản vẫn chỉ là “sân chơi của những ông lớn”. Trong đó, Trung Quốc đặc biệt nổi bật với vai trò động lực phát triển mạnh mẽ.

Trước hết, các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của WTO cho thấy, nếu như cách đây 10 năm, tỷ trọng thị phần của 10 quốc gia xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất thế giới là 52,5% thì nay chỉ giảm chút ít, còn 48,8%.

Trong khi đó, Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng nhanh gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới trong 10 năm qua và gấp 1,7 lần trong 20 năm qua, đã từ vị trí quốc gia xuất khẩu nông sản thứ 12 thế giới vươn lên vị trí thứ 8 cách đây 10 năm và thứ 5 hiện nay với kim ngạch 75,5 tỉ đô la Mỹ.

Hơn thế, vai trò động lực phát triển đặc biệt của Trung Quốc còn thể hiện trong việc phát triển nhập khẩu hàng nông sản của thị trường thế giới. Với tốc độ tăng trưởng cao gấp 2,27 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới  trong 10 năm qua, Trung Quốc đã từ vị trí quốc gia nhập khẩu nông sản thứ 11 thế giới vươn lên vị trí thứ 3 cách đây 10 năm và thứ 2 hiện nay với quy mô khổng lồ gần 155 tỉ đô la Mỹ, chiếm gần một phần mười tổng nhập khẩu nông sản của thế giới.

Câu hỏi “làm sao nuôi nổi người Trung Quốc?” mà thế giới đặt ra ở thời điểm “người khổng lồ” này đàm phán gia nhập WTO hồi cuối thế kỷ trước rõ ràng là quá sớm, nhưng sau một thập kỷ rưỡi nó lại bắt đầu hợp thời và rất có thể sẽ trở nên bức xúc trong những năm tới.

Với tốc độ tăng trưởng xuất và nhập khẩu như vậy, cho nên Trung Quốc rơi vào tình trạng “độc nhất vô nhị” trên thị trường này. Đó là, nếu tính trong cả 30 quốc gia xuất khẩu hàng nông sản nhiều nhất thế giới trong năm 2016, riêng Trung Quốc đã nhập siêu gần 80 tỉ đô la Mỹ, chiếm 61,6%, còn nếu chỉ tính trong 10 quốc gia xuất khẩu hàng nông sản nhiều nhất thế giới thì nhập siêu của nước này chiếm gần 90%.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng “độc nhất vô nhị” trong nhập khẩu nông sản nguyên liệu (agricultural raw materials) của thế giới. Các số liệu thống kê của Liên hiệp quốc cho thấy, Trung Quốc chính là “con rồng đói nguyên liệu”. Năm 2016, Trung Quốc chỉ xuất khẩu được 5,3 tỉ đô la Mỹ nông sản nguyên liệu, chỉ chiếm 3,7% thị phần thế giới, trong khi nhập khẩu đạt tới 56,4 tỉ đô la Mỹ, chiếm tới 23,2%. 

“Tiếm quyền” cường quốc nhập khẩu nông sản số 1 thế giới?

Cho dù đã vươn lên vị trí thứ 5 thế giới về xuất khẩu hàng nông sản với kim ngạch 75,5 tỉ đô la Mỹ như nói ở trên nhưng khoảng cách so với vị trí số 1 của Mỹ (kim ngạch tới 161,4 tỉ đô la Mỹ) vẫn còn xa. Còn vị trí nhập khẩu thứ 2 thế giới với quy mô gần 155 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc lại không kém nhiều so với quốc gia đứng đầu là Mỹ (161,4 tỉ đô la Mỹ). Trung Quốc sẽ rất nhanh chóng “tiếm quyền” để giành vị trí cường quốc nhập khẩu nông sản số 1 thế giới.

Xét theo “quán tính”, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 11,6%/năm trong 10 năm qua, cao hơn gấp đôi so với của Mỹ, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ ngay trong năm nay.

Các dự báo gần đây của FAO - OECD và Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA) có lẽ cũng theo hướng này.

Đó là, nhập khẩu các loại lương thực chủ yếu hàng năm của Trung Quốc sẽ dao động trong khoảng 6,6-7,7 triệu tấn, còn Mỹ thì xuất khẩu 8,3-9,3 triệu tấn; nhập siêu thịt bò, thịt heo và gia cầm của Trung Quốc là 3,4-3,8 triệu tấn/năm, còn Mỹ xuất siêu 5,6-6,2 triệu tấn/năm; nhập siêu đậu tương và hạt có dầu khác của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng rất mạnh từ kỷ lục 97 triệu tấn hiện nay lên kỷ lục mới 212 triệu tấn/năm, chiếm 62% “rổ hàng hóa” này của cả thế giới, còn Mỹ sẽ xuất siêu 54-56 triệu tấn/năm...

Tình trạng này bắt nguồn từ nguyên nhân kép chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Trung Quốc rất nghèo tài nguyên quan trọng bậc nhất cho sản xuất nông nghiệp là đất nông nghiệp.

Bình quân mỗi người Trung Quốc chỉ có 3.849 mét vuông đất nông nghiệp để sản xuất, chỉ bằng 58,2% so với bình quân chung 6.611 mét vuông của toàn thế giới.

Thứ hai, trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, nhưng nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất cho sản xuất nông nghiệp lại hạn hẹp như vậy, cho nên gia tăng nhập khẩu nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng là tất yếu.

Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, dù Trung Quốc đang tiệm cận ngưỡng để được xếp vào danh sách các quốc gia công nghiệp nhưng mức tiêu dùng của người Trung Quốc vẫn mang nặng tính chất “ăn no” nhiều hơn là “ăn ngon”, thể hiện rất rõ ở mức tiêu dùng lương thực cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... còn tiêu dùng thịt, sữa... vẫn thấp hơn, trong khi tiềm năng để chuyển hướng nền nông nghiệp đáp ứng nhu cầu “ăn ngon” của chính Trung Quốc có lẽ đã cạn kiệt.

Như vậy, trong điều kiện “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc, làm gì để nền nông nghiệp nước ta tận dụng được cơ hội này đang là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý.
www.thesaigontimes.vn/272096/tai-co-cau-nong-nghiep-huong-den-thi-truong-trung-quoc--tieu-diem-cua-thi-truong-nong-san-the-gioi.html

Bài viết khác