Theo Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng NNCNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. VN sẽ xây dựng 10 khu NNCNC, trong đó có 8 khu đã được UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Cụ thể, ngoài 2 khu NNCNC Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiếp tục quy hoạch và xây dựng 8 khu NNCNC đã được UBND tỉnh quyết định thành lập, gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP HCM, Bình Dương, Cần Thơ.

Mô hình trồng dâu áp dụng NNCNC tại trang trại dâu Biofresh - Đà Lạt.

Bao giờ mới thu hồi được vốn?

Tuy nhiên, trên thực tế, theo tìm hiểu của Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, trong tổng số các khu NNCNC được quy hoạch chỉ có một khu NNCNC kinh doanh có lãi rõ đó là mô hình rau, hoa ở Đà Lạt và ba khu NNCNC hoạt động có hiệu quả là Củ Chi, TP HCM, An Thái, Bình Dương và Suối Dầu, Khánh Hòa. Còn lại các dự án NNCN tại một số địa phương đến nay về cơ bản vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, thậm chí rất thiếu vắng nhà đầu tư.

Tại TP HCM, hiện có khu NNCNC của TCty Nông nghiệp Sài Gòn, quy mô 100 ha, vốn đầu tư khoảng 80 tỷ, trồng rau bằng phương pháp thủy canh, nuôi cấy mô hoa lan, sản xuất nấm. Còn tại Lâm Đồng, hiện cũng đang xây dựng khu NNCNC với tổng quy mô 150 ha sản xuất rau, hoa, dâu tây, chè... Hà Nội có khu NNCNC, diện tích 7,5 ha, do Cty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển Nông nghiệp đầu tư với kinh phí 24 tỷ đồng. Tại Hải Phòng, khu NNCNC của Trung tâm Phát triển lâm nghiệp thành phố đã được xây dựng với tổng kinh phí 22,5 tỷ đồng. Nhiều tỉnh khác như Tây Ninh, Bình Dương… cũng lên kế hoạch xây dựng các khu NNCNC.

Trong khi đó, để có một khu NNCNC phải đầu tư từ nhà lưới, thiết bị, đến kỹ thuật canh tác… Những vật dụng này trong nước chưa có DN nào sản xuất được nên đều phải nhập khẩu trọn gói, giá thành đắt đỏ. Đó là lý do giải thích vì sao chi phí đầu tư cho một hecta NNCNC của lại đội giá cao như vậy.

Theo tính toán của ông Bùi Huy Hiền - Viện trưởng Viện Nông hóa thổ nhưỡng-Bộ NN&PTNT, nếu tính trên tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất của toàn khu NNCNC thì mức đầu tư để sản xuất sản phẩm hàng hoá được cụ thể như sau: ở Hà Nội 3,2 tỷ/ha, Hải Phòng 3 tỷ/ha, TP HCM 8 tỷ/ha. Con số này là quá lớn. Trong khi đó, đa phần các khu NNCNC đều được những DN nhà nước đầu tư. Bỏ số tiền đầu tư lớn như vậy để làm NNCNC biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn? Điều đáng nói, dù nhìn thấy khó thu hồi vốn nhưng câu hỏi đặt ra, tại sao nhiều tỉnh, thành phố vẫn lên kế hoạch phát triển khu NNCNC ?

Đầu ra mới là mấu chốt

Thừa nhận, việc phát triển NNCNC để tăng năng suất và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm an toàn cho người sử dụng trong bối cảnh đất nông nghiệp đang thu hẹp dần do đô thị hóa, công nghiệp hóa là điều cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, không nên “đốt cháy giai đoạn” chuyển lên NNCNC giống như một số địa phương đã làm như hiện nay.


 Theo chuyên gia, nên tiếp cận NNCNC bằng những bước chuyển tiếp cần thiết và tùy từng điều kiện sinh thái, khí hậu và điều kiện từng địa phương để áp dụng. Và cũng tùy từng vùng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chứ không nên đầu tư phát triển tràn lan, dẫn đến kém hiệu quả.

Như GS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT (Úc) chia sẻ: Không phải nói đến NNCNC là phải xây dựng hệ thống nhà kính đắt tiền, hệ thống tưới nhỏ giọt hay kiểm soát các điều kiện trong môi trường kín.

Tùy vào điều kiện của các quốc gia khác nhau mà có chính sách và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp phù hợp. Đơn cử tại Úc, nơi có quỹ đất canh tác rộng lớn, người ta ưu tiên ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác nông nghiệp trên những cánh đồng lớn.

Công nghệ được áp dụng ở đây là cơ giới hóa trong làm đất, chăm sóc và thu hoạch, cũng như tự động hóa hệ thống tưới và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Trong khi đó, Israel có diện tích đất canh tác ít, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên họ lại tập trung vào hệ thống nhà kính, kiểm soát môi trường trong các nhà kính, cũng như tưới và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt.

“Phải tùy vào các điều kiện tự nhiên, khí hậu và nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ trong nông nghiệp. Không hẳn cứ mua thiết bị đắt tiền là có thể thành công”- ông Vọng nhấn mạnh.

Là thành viên tư vấn chiến lược cho dự án NNCNC của Cty CP Lavifood, ông Lê Thành - Viện trưởng Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ nhìn nhân, NNCNC phải gắn với chuỗi giá trị mới thành mô hình kinh tế. Chứ đầu tư 3-4 nghìn tỷ đồng mà không gắn với thị trường thì đó là một gánh nặng với ngân hàng cũng như nhà đầu tư. Vì vậy, trước khi triển khai dự án 1.500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy Tanifood (thành viên của Cty CP Lavifood) chế biến rau củ quả ở Tây Ninh, ông Thành đã tìm hiểu, xúc tiến được những hợp đồng đặt hàng từ đối tác ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc…

Sau khi có hợp đồng, DN mới cụ thể hóa sản xuất gì, nhà máy thế nào, 50 nghìn ha vùng trồng xoài, dứa, chanh leo…từng giai đoạn ra sao và đặc biệt sản xuất phải vượt qua được hàng rào tiêu chuẩn quốc tế.

"NNCNC là lĩnh vực khá “kén” nhà đầu tư, bởi đặc thù của ngành này là đầu tư lớn, nhiều rủi ro. Triển khai NNCNC là cả một cuộc cách mạng đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ công tác quy hoạch, đầu tư vốn, chuẩn bị nguồn nhân lực, lựa chọn công nghệ, chọn đối tượng cây trồng vật nuôi có hiệu quả và cuối cùng là thị trường đầu ra. Nếu chạy theo phong trào, theo thành tích mà không có sự chuẩn bị sẽ khó thành công”- ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, làm nông NNCNC chỉ có thể áp dụng được ở một số ít Cty hoặc cá nhân có khoa học kỹ thuật, đặc biệt có vốn và có đầu ra. Ở VN, khi nói NNCNC thường là chỉ nói về nhà màng, nhà kính (green house, glass house), trong đó, có máy móc tự động điều khiển khí hậu cũng như điều khiển các dưỡng chất để cung cấp cho cây trồng trong nhà màng. Làm như thế không có người nông dân tham gia được mà chỉ người có vốn nhiều họ đầu tư. Theo đó, họ có thể trồng rau, cà chua, dưa hoặc trồng rau trong những nhà màng, còn những sản phẩm khác khó có thể đưa vào nhà màng này.

Từ kinh nghiệm đầu tư vào ngành chăn nuôi hàng chục năm nay, bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT Cty Ba Huân cho rằng, không phải ai cũng làm được NNCNC vì DN “lên bờ xuống ruộng nhiều lắm rồi”. Bà Ba Huân cho biết, đến nay, số DN đầu tư nhà máy chế biến trứng chỉ “đếm đầu ngón tay”. Theo bà, vấn đề rất khó khi đầu tư chính là đầu ra cho sản phẩm.