Những cánh đồng thông minh trên hành trình xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long


Giữa những cánh đồng trù phú ven sông Tiền, vùng đất Vĩnh Long đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một tỉnh thuần nông, nơi đây đang dần hình thành nền nông nghiệp hiện đại, thông minh với sự đồng hành của các HTX kiểu mới.

Thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại chính là động lực để nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tiến nhanh trên hành trình xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân khu vực nông thôn.

Canh tác thông minh

Trong khi nông dân nhiều nơi vẫn đang tất bật phun xịt, chăm sóc lúa bằng phương pháp truyền thống, thì những năm qua, thành viên và nông dân liên kết của HTX Nông nghiệp Phước Hảo (xã Hưng Mỹ mới) đã dần quen với công nghệ sản xuất hiện đại.

Ông Trương Hòa Thuận – Giám đốc HTX chia sẻ: “Giờ phun xịt bằng drone, sạ bằng máy cụm, giám sát sâu bệnh cũng thông qua ứng dụng di động. Nông dân ở nhà vẫn biết hôm nay trên ruộng có bao nhiêu côn trùng, nếu ít thì khỏi phun thuốc, tiết kiệm được khối chi phí”.

-1488-1752740891.jpg

Những cánh đồng thông minh đang được nhân rộng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long (Ảnh: VLO).

Câu chuyện của ông Thuận cùng các thành viên HTX Nông nghiệp Phước Hảo không còn là cá biệt. Tại Vĩnh Long, trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phổ biến.

Nhiều nông dân và HTX đã trang bị máy bay không người lái, hệ thống sạ hàng cụm, thiết bị giám sát côn trùng, khí thải… Giờ đây, từ một chiếc điện thoại thông minh, HTX, nông dân có thể giám sát độ mặn, tình trạng sâu rầy, điều chỉnh lượng nước tưới hay lập kế hoạch chăm sóc cây trồng.

Không dừng lại ở đó, các nền tảng xã hội như Zalo, Facebook cũng trở thành kênh truyền thông kỹ thuật, cập nhật dịch hại và khuyến cáo sản xuất. Các mô hình canh tác “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, sử dụng giống lúa xác nhận, phân vi sinh... được nhân rộng, giúp tiết kiệm đầu vào, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, sự phát triển của các HTX kiểu mới như vậy tại các địa phương không chỉ giúp người dân liên kết sản xuất hiệu quả hơn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập – một trong những tiêu chí cốt lõi của chương trình nông thôn mới.

Điểm tựa thúc đẩy nông thôn mới

HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (xã An Bình) là một ví dụ điển hình. Trong 3 năm qua, HTX đã đẩy mạnh chuyển đổi số từ khâu ghi chép sử dụng phân thuốc đến xây dựng mã vùng trồng.

Giao dịch mua bán nông sản được HTX đẩy mạnh thực hiện qua sàn thương mại điện tử và sàn giao dịch nông sản tỉnh, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng độ tin cậy với khách hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân – Giám đốc HTX – cho biết: “Khi áp dụng công nghệ 4.0, sản xuất giảm chi phí, nông sản chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Thành viên của HTX chú trọng hơn đến thương hiệu, uy tín sản phẩm”.

Đặc biệt, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã liên kết với doanh nghiệp lớn để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Nhờ đó, hàng loạt mô hình sản xuất sạch, hữu cơ, tuần hoàn… được hình thành, trở thành điểm nhấn trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương.

Góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể là vai trò của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long. Trong những năm qua, các tổ chức này đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực như: Hỗ trợ vốn vay, thiết bị chế biến – bảo quản nông sản; Tổ chức hàng chục lớp tập huấn về kỹ thuật, chuyển đổi số, quản trị HTX.

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long cũng đẩy mạnh kết nối xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, OCOP; Phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, vùng sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

-6082-1752740891.jpg

Các HTX đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long (Ảnh: VLO).

Đặc biệt, chương trình hỗ trợ lao động trẻ vào làm việc trong các HTX nông nghiệp đã thu hút hàng chục kỹ sư trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường nông – lâm – thủy sản tham gia sản xuất hiện đại. Theo thống kê, năm 2024, Vĩnh Long đã hỗ trợ lương cho 61 lao động trẻ làm việc tại 41 HTX.

Chính nhờ những hỗ trợ này, nhiều HTX ở Vĩnh Long đã “chuyển mình” mạnh mẽ, từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún sang tổ chức sản xuất bài bản, hiện đại. Các HTX trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng nghìn nông hộ trên hành trình phát triển kinh tế và góp phần định hình diện mạo nông thôn mới tại các địa phương.

Hướng tới tương lai bền vững

Những chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất đã mang lại kết quả tích cực. Với đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, mà đầu tàu là các HTX, nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn OCOP, có mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các chuỗi giá trị nông sản của tỉnh như lúa gạo, chôm chôm, cá tra… đang được hình thành và phát triển bền vững.

Đang có những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, con đường xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn còn không ít chông gai. Cơ sở hạ tầng tại một số vùng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Ứng dụng công nghệ trong các HTX còn phân hóa, thiếu đồng bộ. Nhiều nơi chưa có đủ nhân lực trình độ cao để vận hành hệ thống công nghệ, còn thiếu nguồn dữ liệu lớn để phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp.

Mặt khác, biến đổi khí hậu, chi phí đầu vào tăng cao và sự thay đổi liên tục của thị trường tiêu dùng cũng đặt ra nhiều áp lực cho các HTX trong việc đổi mới phương thức sản xuất và tiêu thụ.

Trước những thách thức đó, để tiếp tục hướng tới xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh Vĩnh Long xác định tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng các HTX kiểu mới gắn với doanh nghiệp và thị trường.

Tỉnh cũng sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, khuyến khích lực lượng lao động trẻ tham gia vào khu vực kinh tế hợp tác. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về chuyển đổi số, hướng đến xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, nông thôn mới thông minh.

Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đồng hành trong việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, thị trường, góp phần lan tỏa hiệu quả các mô hình HTX kiểu mới, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân.

Với sự chuyển mình toàn diện từ tư duy sản xuất đến công cụ canh tác, từ phương thức quản lý đến mô hình liên kết, Vĩnh Long đang tạo ra một hình mẫu nông thôn mới hiện đại, xanh – sạch – bền vững.

Trên hành trình đó, vai trò của các HTX và những chương trình hỗ trợ kịp thời từ hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc, giúp nông dân “thoát nhỏ lẻ”, bước vào kỷ nguyên nông nghiệp thông minh – nơi đồng ruộng cũng có thể kết nối 4.0.

An Chi

Nguồn: https://vnbusiness.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nhung-canh-dong-thong-minh-tren-hanh-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-o-vinh-long-1108220.html

Bài viết khác