Ngành nông nghiệp quyết tâm chinh phục mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD


Sáu tháng đầu năm 2025, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 33,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Để đạt mục tiêu 65 tỷ USD cả năm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chỉ đạo toàn ngành tăng tốc, triển khai quyết liệt các giải pháp theo từng nhóm hàng, tận dụng cơ hội thị trường và thúc đẩy tiêu thụ vào dịp cuối năm.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh: nhandan.vn)

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). (Ảnh: nhandan.vn)

Tăng tốc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, quyết tâm cán đích 65 tỷ USD

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn ghi nhận bước tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nông sản đạt 18,3 tỷ USD (tăng 16,8%), thủy sản đạt 5 tỷ USD (tăng 14,5%), lâm sản đạt 8,7 tỷ USD (tăng 8,8%), sản phẩm chăn nuôi đạt 264 triệu USD (tăng 10,1%).

Tăng trưởng khả quan đến từ nhiều mặt hàng chủ lực như cà-phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ. Dù vậy, vẫn còn hai nhóm hàng ghi nhận sụt giảm kim ngạch là gạo (2,6 tỷ USD, giảm 9,8%) và rau quả (2,7 tỷ USD, giảm 17,1%).

Những kết quả trên có được nhờ việc ngành nông nghiệp tập trung duy trì sản xuất, củng cố chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đầu vào, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm minh bạch và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, tận dụng hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, góp phần mở rộng thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.

2.jpg

Sơ chế sản phẩm cà rốt tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). (Ảnh: Nhandan.vn)

Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỷ USD trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao chỉ tiêu cụ thể đến từng mặt hàng. Dự kiến quý III toàn ngành cần đạt 14 đến 15 tỷ USD và quý IV tăng tốc đạt tối thiểu 16 tỷ USD.

Một số chỉ tiêu xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm được giao như sau: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,1 tỷ USD; thủy sản đạt 5,4 tỷ USD; gạo đạt 3,1 tỷ USD; rau quả đạt 4,9 tỷ USD; hồ tiêu đạt 0,53 tỷ USD; hạt điều đạt 2,3 tỷ USD. Đáng chú ý, mặt hàng cà-phê đã đạt 5,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, vượt kế hoạch cả năm (5,5 tỷ USD) và dự kiến sẽ chạm mốc 7,5 tỷ USD trong năm 2025, tăng 36,9% so với năm 2024.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, bên cạnh kết quả đạt được, ngành vẫn phải đối mặt với những rủi ro từ biến động chính sách thuế quan, xu hướng bảo hộ, các biện pháp phòng vệ thương mại và sự siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật từ nhiều quốc gia. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành phải có hành động quyết liệt hơn để duy trì thị phần tại các thị trường truyền thống và mở rộng xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Liên minh châu Âu (EU)...

Xây nền tảng cho xuất khẩu bền vững

Theo Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong giai đoạn còn lại của năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành tiếp tục bám sát định hướng phát triển theo chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, mở rộng thị trường, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng thống kê, dự báo thị trường.

Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển thị trường nông sản, triển khai đồng bộ các chiến lược phát triển ngành hàng, kiểm soát chặt chất lượng, truy xuất nguồn gốc và đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa và quốc tế.

z6501872429890-86f71f7adff48a82db003f2a9c905486-9824-8899-459.jpg

Công nhân đang đóng bưởi vào túi lưới để chuẩn bị xuất khẩu.

Với nhóm trái cây tươi, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhấn mạnh yêu cầu hàng đầu là bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các thị trường khắt khe như EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Các địa phương, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, quy trình kiểm dịch thực vật và quy định về bảo vệ rừng.

Riêng thị trường Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) để tạo thuận lợi trong cập nhật thông tin địa danh, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc khi có thay đổi địa chỉ vùng trồng hay cơ sở đóng gói.

Đối với mặt hàng gỗ, cà-phê và thủy sản, các nhóm hàng đang chịu áp lực từ thị trường Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường năng lực quản trị rủi ro, tuân thủ các quy định về xuất xứ, môi trường và tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, cần nghiên cứu chuyển hướng thị trường, tập trung vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao như sản phẩm chế biến sâu, hữu cơ, thân thiện môi trường.

Với quyết tâm cao và hành động đồng bộ, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu không chỉ cán đích 65 tỷ USD trong năm 2025 mà còn tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển bền vững tiếp theo.

Thanh Trà

Nguồn: https://nhandan.vn/nganh-nong-nghiep-quyet-tam-chinh-phuc-muc-tieu-xuat-khau-65-ty-usd-post891107.html

Bài viết khác