Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam làm gì để giữ vững “phong độ”?


Ước tính năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 8,338 triệu tấn, tương đương 4,816 tỷ USD với giá gạo trung bình đạt tới 577,6 USD/tấn.

Như vậy gạo Việt Nam xuất khẩu tăng 17,4% về số lượng, 39,4% về kim ngạch và tăng 18,6% về giá so với năm 2022.

Đây thực sự là những con số rất ngoạn mục sau hàng chục năm Việt Nam tham gia vào hàng ngũ các nước xuất khẩu gạo của thế giới.

Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam làm gì để giữ vững “phong độ”?
Ảnh minh họa

Nhìn lại năm 2023 có thể thấy bên cạnh những diễn tiến nằm trong kịch bản còn có cả những diễn biến bất ngờ với chính chúng ta. Trong 4 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu đạt đỉnh vào tháng 4 với số lượng khoảng 1,1 triệu tấn, tương đương 574 triệu USD. Đáng chú ý, đây là thời điểm hoàn thành vụ lúa đông xuân nên nguồn cung dồi dào và giá thu mua lúa gạo trong nước xuống thấp đã tạo ra động lực hỗ trợ không nhỏ cho xuất khẩu.

Trong các tháng 5,6,7 do nguồn cung nội địa dần thắt chặt nên thời điểm này cả lượng và trị giá xuất khẩu giảm dần nhưng đến tháng 8 tăng mạnh trở lại do nguồn cung tăng từ vụ hè thu. Đến tháng 9 và 10, xu hướng giảm cả về lượng và trị giá; 3 tháng cuối cùng của năm 2023, lượng gạo xuất khẩu ổn định ở mức 700 nghìn tấn/tháng song kim ngạch xuất khẩu lại tăng ngang với các tháng đầu năm do bối cảnh lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu đã đẩy giá gạo tăng.

Đóng góp vào việc tăng trưởng ngoạn mục của xuất khẩu gạo năm 2023 phải kể đến yếu tố thuỷ văn khá ổn định.

Các thị trường gạo lớn nhất hiện nay của Việt Nam gồm: Philippines chiếm 37,6%, Indonesia là 14%, Trung Quốc 12%. Các thị trường mang tính truyền thống này trong năm 2023 đều có sự gia tăng về nhu cầu nhập khẩu, góp phần quan trọng tạo đà hỗ trợ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bật tăng.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là Việt Nam cần làm gì để giữ vững “phong độ” cho xuất khẩu gạo năm 2024?

Yếu tố thuỷ văn vốn là yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu gạo song theo cảnh báo, từ cuối năm 2023 đến tháng 3/2024 tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long có thể chỉ xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 đến 15%. Xâm nhập mặn có thể đến sớm hơn, cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra dự báo, con số xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 có thể không như năm 2023 song vẫn duy trì mức cao là 7,6 triệu tấn do nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới vẫn cao. Đặc biệt, bối cảnh thể giới hiện nay đã khiến cho gạo trở thành một nguồn thay thế hấp dẫn do các loại ngũ cốc thiếu hụt mạnh. Một số quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ nguồn cung dự báo tiếp tục bị hạn chế do tình trạng khô hạn. Theo nhóm chuyên gia Hoàng Thị Vân (Viện Kinh tế - Tài chính) và Hoàng Thị Huyền Trang (Đại học Công đoàn), những yếu tố này có thể khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục neo cao trong năm 2024.

Theo PGS, TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân), việc Việt Nam duy trì lượng gạo xuất khẩu ở mức 7 – 8 triệu tấn/năm cho thấy nguồn cung ổn định và chuỗi cung ứng đã được hình thành, không có sự bất ổn trong tổ chức nguồn cung. Đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam ngày càng ổn định, thậm chí có xu hướng tăng cũng góp phần cho thấy tính ổn định của thị trường, mức lợi nhuận bình quân phù hợp, chia sẻ hài hoà giữa các đối tượng tham gia xuất khẩu gạo và chính sách điều tiết phù hợp. Đây là những yếu tố cần tiếp tục được quan tâm duy trì.

Đáng chú ý Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp và tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể tiếp tục tăng cường nội sinh cho công nghiệp lúa gạo nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng. Tuy nhiên, các thể chế mới được thể hiện trong Đề án cho thấy còn thiên về tư duy sản xuất nông nghiệp và chưa hoàn toàn chuyển sang kinh tế nông nghiệp.

Đáng chú ý vẫn theo ông Nguyễn Thường Lạng, hiện là thời điểm phù hợp để ngành công nghiệp lúa gạo Việt Nam chuyển từ trách nhiệm đơn thuần với cộng đồng quốc tế thành sứ mệnh lịch sử trong công nghiệp lúa gạo thế giới, làm thay đổi phúc lợi người tiêu dùng lúa gạo thế giới, chuyển cơ cấu tiêu dùng từ gạo chất lượng trung bình hay trung bình khá sang tiêu dùng gạo chất lượng cao, gạo hữu cơ, gạo ngon.

Quang Lộc

Bài viết khác