Mỗi ngày, Việt Nam chi 2,15 triệu USD nhập thuốc trừ sâu
Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chủ yếu là từ Trung Quốc, chiếm tới 54,2% tổng giá trị của mặt hàng này...
Trong 3 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi 194 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 54,2%.
Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tháng 3/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 3/2018 ước đạt 2,43 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 6,89 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, ước tính nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 5,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Một số mặt hàng nhập khẩu chính trong 3 tháng đầu năm 2018 là phân bón, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, rau quả, thủy sản, gỗ...
Đáng chú ý, với lĩnh vực thuốc trừ sâu và nguyên liệu, ước giá trị nhập khẩu trong tháng 3/2018 đạt 58 triệu USD.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 194 triệu USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, bình quân mỗi ngày Việt Nam chi đến 2,15 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc, chiếm tới 54,2% tổng giá trị của mặt hàng này.
Nhập khẩu thuốc trừ sâu tại thị trường Anh, Malaysia và Ấn Độ cũng tăng mạnh trong những tháng đầu năm, mức tăng lần lượt là 80%, 51,5% và 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Được biết, trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng, khoảng 900 tấn.
Mặt khác, Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của thế giới, chiếm 40% lượng thuốc xuất khẩu đi các nước. Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật về nội địa không chỉ để bán sử dụng ở Việt Nam, mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác.
Vì thủ tục nhanh gọn, thuận tiện trong vận chuyển, giá cả cạnh tranh, và đặc biệt, các nhà nhập khẩu của Việt Nam có thể đặt hàng trực tiếp các nhà sản xuất Trung Quốc theo nhu cầu của thị trường Việt Nam, nên việc nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc ngày một gia tăng.
Bên cạnh đó, dù là nước nông nghiệp, lượng thuốc trừ sâu sử dụng nhiều nhưng Việt Nam phải nhập khẩu gần như 100% thuốc trừ sâu, do không đủ năng lực, trình độ để sản xuất.
Mặt khác, theo thống kê từ Cục Bảo vệ thực vậy, Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với 4.080 thương phẩm. Tuy nhiên trên thị trường chỉ còn khoảng 2.000 thương phẩm (trong đó khoảng 20% là thuốc sinh học, thảo mộc), các loại sản phẩm thuốc còn lại vẫn có trong danh mục nhưng gần như không có hoặc rất ít trên thị trường.
Ngoài thuốc trừ sâu, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều phân bón. Ước tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 3/2018 đạt 350 nghìn tấn với giá trị 100 triệu USD.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2018, khối lượng và giá trị phân bón nhập khẩu đạt 879 nghìn tấn và 245 triệu USD, giảm 28,6% về khối lượng và giảm 25,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Nguồn phân bón nhập khẩu cũng chủ yếu từ Trung Quốc chiếm tới 28,6% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu mặt hàng này từ Malaysia, Nauy, Hoa Kỳ, Hàn Quốc...
THỤY MIÊN
Bài viết khác
Ngày 28/8, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M’Drắk) đã tổ chức Lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm chuối đầu tiên sang thị trường Mông Cổ.
Từ ngày 25 – 29/7/2024, tại Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Lào, thủ đô Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024 (VIETLAO EXPO). Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất do Bộ Công Thương hai nước Việt Nam
Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2024 đang chính thức mở cổng đăng ký, hứa hẹn là bệ phóng hoàn hảo để khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu của bạn!