Khơi nguồn nông sản Việt – Trung
(Chinhphu.vn) - Sau chuyến công tác vừa qua (14-20/1) với các công ty về nông nghiệp của Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã có những chia sẻ thông tin về kế hoạch hợp tác tới đây giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Từ ngày 14-20/01, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, chính quyền tỉnh Quảng Đông. Đồng thời, đoàn đã khảo sát và làm việc với chợ đầu mối rau quả Giang Nam, hạ tầng thương mại, logistics nông sản tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.
- Thưa Thứ trưởng, ông đã có những nội dung làm việc cụ thể gì về hợp tác nông nghiệp tới đây giữa Việt Nam và Trung Quốc?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Trên cơ sở kết quả, thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam cuối năm 2023, đầu năm 2024, Bộ NN&PTNT tổ chức đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tăng cường hợp tác, tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy nông sản giữa hai nước.
Trước hết, đoàn làm việc với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc và trao đổi 3 nội dung chính. Thứ nhất, đồng ý tổ chức cuộc họp Ủy ban Hợp tác nông nghiệp giữa hai Bộ trong năm 2024 nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp giảm phát thải.
Thứ hai, chúng tôi thống nhất sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề nghề nông nghiệp của hai Bộ trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, nhất là trình độ tiếng Trung Quốc cho đội ngũ giáo viên thuộc các trường của Bộ NN&PTNT.
Thứ ba, là hai bên thống nhất sẽ hợp tác trao đổi kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới. Trung Quốc đã triển khai chương trình chấn hưng nông thôn một thời gian và có rất nhiều kinh nghiệm quý báu, mô hình hay có thể phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Các vấn đề về xúc tiến thương mại từ phía các cơ quan như Hải quan Trung Quốc và lãnh đạo tỉnh Quảng Đông ra sao, thưa Thứ trường?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phía bạn đồng ý sẽ hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung trong 3 Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, xuất khẩu cá sấu nuôi và xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đồng ý mở cửa thị trường và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục nhập khẩu cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, trong đó có bơ và chanh leo. Đây có thể xem là một tin mừng cho những người nông dân đang trồng các nông sản này tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gia cầm vào thị trường Trung Quốc. Đây là thành quả cho sự tích cực, chủ động của Việt Nam sau khi xây dựng được nhiều vùng an toàn dịch bệnh và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đi những thị trường khó tính trước đây.
Ngoài ra, để tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch tại khu vực biên giới, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hai bên sẽ tổ chức một cuộc họp giao ban giữa các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới để các đơn vị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại cửa khẩu.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Đông và các doanh nghiệp trên địa bàn, đoàn công tác thống nhất một số nội dung chính. Đó là, đẩy mạnh hợp tác về chuyển giao khoa học công nghệ giữa các viện, trường của tỉnh Quảng Đông với các viện, trường của Bộ NN&PTNT; thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh Quảng Đông và Việt Nam liên liên kết đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Quảng Đông có rất nhiều chợ đầu mối và trung tâm nông sản lớn. Do vậy, hai bên thống nhất là xây dựng các chuỗi logistics nông sản bền vững để đưa được nhiều hơn những sản phẩm trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, thông qua các chợ đầu mối này, đồng thời đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng của sản phẩm.
- Hiện nay mặt hàng tôm hùm bông của Việt Nam đang mong chờ cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Với cá tầm, theo luật pháp của quốc tế và các nghị định thư, đây là sản phẩm được phép trao đổi, mua bán miễn là không nằm trong danh mục hạn chế của CITES. Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước thực hiện mua bán sản phẩm, kể cả giống.
Với tôm hùm bông, như Bộ NN&PTNT đã thông tin, vừa qua phía bạn đã sửa đổi một số quy định, đặc biệt là nghiêm cấm việc khai thác sản phẩm trong tự nhiên, thuộc danh mục bảo tồn động vật hoang dã. Tuy nhiên, đoàn công tác đã thông tin cho bạn, rằng hàng năm Việt Nam có trên 1.000 tấn tôm hùm bông được nuôi trong lồng bè. Mỗi chu kỳ nuôi khoảng 13 - 18 tháng mới thu hoạch. Vì vậy, đề nghị bạn quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân.
Trung Quốc cơ bản thống nhất và sẽ tạo điều kiện cho tôm hùm bông của Việt Nam có điều kiện trở lại thị trường Trung Quốc. Cùng với vấn đề cá tầm, hai bên sẽ bổ sung những nội dung liên quan vào Nghị định thư về yêu cầu vệ sinh thú y và kiểm dịch các sản phẩm thủy sản khai thác tự nhiên, nhằm đẩy mạnh kim ngạch hai nước.
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường Trung Quốc đối với nhóm những sản phẩm mới này?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Năm 2023 chứng kiến sức tăng trưởng ngoạn mục của sầu riêng, sản phẩm mới được xuất khẩu chính ngạch hơn một năm. Hiện nay, sầu riêng là trái cây có giá trị xuất khẩu, đạt hơn 2 tỷ USD/năm. Do đó, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những sản phẩm sắp được Trung Quốc mở cửa.
Với gia cầm, chúng ta có trên 500 triệu con, đã xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc. Nếu thâm nhập được thị trường tỷ dân của Trung Quốc, đó sẽ là cơ sở đề ngành chăn nuôi phát huy hơn nữa quy mô nuôi trang trại, xây dựng các vùng an toàn sinh học.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng lưu ý chúng ta nên quan tâm hơn nữa đến chất lượng, mẫu mã, quy cách đóng gói sản phẩm, tránh tình trạng một số lô hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng.
Để đứng vững và khẳng định được thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, sản phẩm phải đáp ứng cả 3 yếu tố: chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý. Phía bạn đã cơ bản nhất trí về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Việt Nam tiếp cận chợ đầu mối lớn tại tỉnh Quảng Đông, thậm chí dành riêng một không gian để trưng bày.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Đỗ Hương (ghi)( nguồn báo chính phủ)
Bài viết khác
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) ngày 27/11/2023, các bộ, ngành
Sau thời gian tuyển chọn kỹ lưỡng, cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2024 đã đi đến hồi kết với nhiều thành tích ấn tượng dành cho các dự án trong mảng nông nghiệp.
Thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2025, Bộ Công Thương chủ trì, Cục XTTM thực hiện phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà Séc và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ tổ chức Đoàn giao dịch thương mại