Khi kinh tế ĐBSCL quá lệ thuộc vào nông nghiệp


Khi kinh tế ĐBSCL quá lệ thuộc vào nông nghiệp

Trung Chánh
Thứ Tư,  15/3/2017, 07:27 (GMT+7)


 

  
Trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, một số địa phương tiếp tục có sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế nhanh nhưng một số địa phương tỷ trọng nông nghiệp vẫn còn khá lớn. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

(TBKTSG) - Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong khi lĩnh vực này bộc lộ không ít vấn đề trong những năm gần đây, khiến tăng trưởng kinh tế của vùng ngày càng ì ạch…

Ẩn sau những con số

Nói về tình hình kinh tế ĐBSCL năm 2016, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho biết trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, một số địa phương tiếp tục có sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế nhanh nhưng một số địa phương tỷ trọng nông nghiệp vẫn còn khá lớn.

Theo ông Lam, điểm đáng lưu ý trong câu chuyện dịch chuyển cơ cấu kinh tế, đó là địa phương nào phụ thuộc lớn vào nông nghiệp và có tỷ trọng công nghiệp xây dựng thấp thì các số liệu thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất/nhập khẩu và số doanh nghiệp thành lập mới đều thấp và ngược lại.
Cụ thể, với Sóc Trăng, đến cuối năm 2016, nông nghiệp của địa phương vẫn chiếm 43,72% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong khi công nghiệp xây dựng chỉ 13,97%. Với cấu trúc kinh tế này, số liệu thống kê về tăng trưởng kinh tế của Sóc Trăng năm 2016 là 5,22% kim ngạch xuất/nhập khẩu lần lượt là 630/124 triệu đô la Mỹ và có 318 doanh nghiệp mới ra đời. Tương tự, số liệu tăng trưởng kinh tế tỉnh Bến Tre năm 2016 là 5,3%, xuất/nhập khẩu và số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 726/299 triệu đô la Mỹ và 375 doanh nghiệp khi nông nghiệp chiếm 38% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, còn công nghiệp xây dựng chỉ 18%.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp bộc lộ không ít vấn đề như hiện nay, làm gì để cải thiện tình hình tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL là một câu hỏi không dễ, không thể giải quyết được ngay.

Ngược lại, với tỉnh Long An, tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt đến 9%, xuất/nhập khẩu và số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 4,26/3,22 tỉ đô la Mỹ và 1.343 doanh nghiệp khi nông nghiệp chỉ chiếm 20% trong cơ cấu kinh tế và công nghiệp xây dựng tới 44,9%.

Điều gì đã dẫn đến kết quả đó?

Phân tích vấn đề này, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho rằng nông nghiệp dù tham gia chỉ khoảng hơn 30% sản lượng kinh tế của ĐBSCL, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến công nghiệp chế biến, bởi nguyên liệu cho ngành này cũng là tôm, cá, lúa gạo và một phần nữa từ hoạt động xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ. “Như vậy, theo tôi, ảnh hưởng thật của nông nghiệp có lẽ là một phần khá lớn, chứ không chỉ là phần của nông nghiệp trong tăng trưởng kinh tế”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, nếu như xuất/nhập khẩu của Việt Nam (nói chung) và của ĐBSCL nói riêng tốt, nó có thể đã giúp một phần rất lớn cho nông nghiệp tăng trưởng, nhưng thực tế xuất khẩu lại tăng rất chậm. “14 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL năm 2016 chỉ chiếm hơn 10% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu không gia tăng được nên không thể kéo được nông nghiệp đi lên”, ông dẫn chứng.

Điểm đáng lưu ý khác, cầu ở trong nước đối với nông sản gặp thách thức lớn bởi sự thay đổi trong cấu trúc nhu cầu tiêu dùng. Người tiêu dùng đòi những sản phẩm chất lượng, an toàn, trong khi nền sản xuất thay đổi theo không kịp. “Đi đâu cũng có kêu ca vấn đề dư lượng kháng sinh, nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Người tiêu dùng chuộng hàng nhập khẩu - thậm chí là những sản phẩm chúng ta đang xuất khẩu, vì lý do an toàn. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng nông nghiệp của chúng ta”, theo ông Dũng.

Biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường cũng làm cho tăng trưởng nông nghiệp chậm lại “và như vậy xu thế kinh tế của ĐBSCL giảm trong nhiều năm qua và tới hôm nay đã là xu thế phổ biến”, ông Dũng nhận định.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp bộc lộ không ít vấn đề như phân tích ở trên, ông Dũng cho rằng những tỉnh thu hút được đầu tư nước ngoài (FDI) thì tăng trưởng kinh tế cao hơn, xuất/nhập khẩu cũng cao hơn và việc thành lập doanh nghiệp mới cũng nhiều hơn. Đó là trường hợp của Long An.

Cần phải làm gì?

Trong bối cảnh như vậy, làm gì để cải thiện tình hình tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL là một câu hỏi không dễ, không thể giải quyết được ngay.

Ông Dũng cho rằng có hai vấn đề quan trọng phải làm cho ĐBSCL để giải quyết câu chuyện được nêu ra ở trên.

Thứ nhất, Chính phủ không ít lần đánh giá rất cao vai trò của ĐBSCL nhưng phải nhìn nhận, hành động của Chính phủ cho ĐBSCL là rất chậm. “Chúng ta từng hân hoan về cây cầu Mỹ Thuận vào năm 2000, rồi cầu Cần Thơ năm 2010, nhưng nhìn lại, phải mất 10 năm mới có được cây cầu thứ hai. Kế đến nữa là đường cao tốc, năm 2010 khánh thành đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, thì từ đó tới nay, chúng ta chờ hoài cũng không thấy đường cao tốc Trung Lương đến Cần Thơ, thậm chí bây giờ còn đang mãi bàn đường cao tốc Trung Lương đến Mỹ Thuận. Vùng này được đánh giá cao đủ mặt, ai cũng khen, nhưng rõ ràng đầu tư lại rất trì trệ”, ông Dũng nhận xét.

Trong bối cảnh hạ tầng của vùng kém như hiện nay, muốn ĐBSCL phát triển không phải là chuyện dễ dàng.
Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế ĐBSCL: không thể hình thành được các trung tâm logistics, các khu đô thị, trong khi đô thị lại có vai trò rất lớn đối với phát triển kinh tế phi nông nghiệp. “Không có kết cấu hạ tầng, thì làm sao những ngành phi nông nghiệp phát triển được? Các số liệu đã minh chứng Cà Mau, Bạc Liêu - những tỉnh ở xa TPHCM - tăng trưởng rất thấp, còn Tiền Giang, Long An tốt hơn là nhờ vào cơ sở hạ tầng kết nối với TPHCM”, ông Dũng khẳng định.

Thứ hai, theo ông Dũng, đối với địa phương, trong xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chỉ có khởi nghiệp mới giải quyết được công ăn việc làm mới tại chỗ cho người dân. “ĐBSCL có tỷ lệ di cư thuần rất cao, trong khi khu vực công không giải quyết được nhiều việc làm thì trong vùng cũng không có nhiều doanh nghiệp lớn. Như vậy, phải dựa vào doanh nghiệp nhỏ, mà doanh nghiệp nhỏ thì liên quan rất nhiều đến khởi nghiệp để tạo công ăn việc làm cho mình và cho người khác”, ông nói.

Ông Dũng cho rằng ý chí và tinh thần khởi nghiệp của người dân khu vực ĐBSCL là có nhưng còn thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp. “Chúng tôi muốn cổ vũ và làm thật, chỉ có khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm, khai thác những ngành nghề đang có, sản phẩm địa phương đang có, thì mới thôi thúc được giới trẻ sáng tạo, giải quyết cho nền kinh tế chúng ta thay đổi cấu trúc. Trông chờ vào một, hai dự án nào đó thì chỉ có thể giúp cơ cấu kinh tế lật lại cấu trúc công nghiệp lớn hơn thôi, chứ còn nền tảng phải từ khởi nghiệp”, ông nói.

http://www.thesaigontimes.vn/157736/Khi-kinh-te-DBSCL-qua-le-thuoc-vao-nong-nghiep.html

Bài viết khác