“Giải cứu” nông sản – Bao giờ cho đến ngày mai?
“Giải cứu” nông sản – Bao giờ cho đến ngày mai?
21/02/2017 1:35 Sáng
(DĐDN) – Bao nhiêu năm nay điệp khúc được mùa rớt giá cứ đeo bám dai dẳng với người nông dân Việt Nam, hết lợn đến cá sấu và bây giờ là chuối.
Thông tin từ báo chí cho hay bà con nông dân trồng chuối già hương ở Đồng Nai đang đối mặt với tình cảnh giá chuối rớt thảm hại, phải đổ bỏ và mang cho dê, bò ăn do bên tiêu thụ “bỏ của chạy lấy người”. Vẫn một nguyên nhân cũ rích: Thương lái Trung Quốc ngừng thu mua.
Phía sau những nghĩa cử tương thân tương ái chung tay cứu người nông dân là cả một câu chuyện dài nói không xuể về phát triển một nền nông nghiệp bền vững và xa hơn là chiến lược “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” như Nghị quyết TW 7, khóa X đã vạch ra.
Quay ngược lại thời điểm trước Tết nguyên đán 2017, các tỉnh như Bến Tre, Đồng Nai rơi vào cuộc khủng hoảng thừa heo nghiêm trọng, nhiều chủ trang trại mất Tết vì giá heo hơi rớt thê thảm. Theo tính toán nuôi 1 con heo nặng 100 kg lỗ mất từ 500 đến 800 nghìn đồng… Rồi đến thanh long Bình Thuận cũng thấp thỏm theo động thái mua hay không mua từ thị trường Trung Quốc.
Đến giờ, chúng ta vẫn chưa quên được cuộc khủng hoảng dưa hấu tại Miền Trung mấy năm trước, hàng trăm tấn dưa đổ bỏ, chết héo tại ruộng…1000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được cho ai… và còn nhiều mặt hàng nông sản khác khốn đốn vì phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.
Vì sao bài học này người nông dân Việt Nam học mãi vẫn không thuộc? Vì sao thương lái Trung Quốc dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng luồn sâu vào nền nông nghiệp nước ta? Buôn bán với thương lái phương Bắc chỉ có cái lợi trước mắt còn về lâu về dài không thiệt cái này sẽ hại cái kia. Bất cứ mặt hàng gì buôn bán với họ đều ít nhất một lần rơi vào khủng hoảng thừa.
Tuy nhiên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” trước khi trách người phải ngó lại ta, chính vì tư duy làm nông nghiệp theo thói quen, tập tục, theo trào lưu nên mới nảy sinh cơ sự. Người Việt là vậy, hễ thấy ai làm gì ngon ăn đều a dua làm theo, thói quen này tạo thành một nguy cơ mà kinh tế học gọi là “cung nhiều hơn cầu”. Khi cung nhiều hơn cầu giá cả sẽ hạ xuống, chưa kể đến chiêu trò của thương lái thì người nông dân đã phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa, nguồn thu không đủ trang trải chi phí sản xuất dẫn đến phá sản.
Vì sao chúng ta phải phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc?
Không quá khó để thấy rằng thị trường đông dân nhất thế giới này khá dễ tính, họ có thể chấp nhận những sản phẩm mà không quá khắt khe về chất lượng và quy trình sản xuất. Điều nay vô cùng phù hợp với nông nghiệp kiểu Việt Nam – thiếu quy trình kỹ thuật, tùy tiện, chất lượng sản phẩm khó vượt qua hàng rào kỹ thuật cao ngất ngưỡng của EU, Mỹ…nên chỉ có thể chơi được với người Trung Quốc, thành thử “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Có thể thấy những mặt hàng đủ đẳng cấp để xuất sang EU, Mỹ, Nhật… luôn có độ ổn định rất cao như cá ngừ Bình Định, vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên, Bắc Giang.
Vậy phải làm gì?
Không có con đường nào khác ngoài hiện đại hóa ngành nông nghiệp bằng những “siêu trang trại”, cách đồng lớn, chuyên môn hóa cao, đầy đủ quy trình kỹ thuật, xóa bỏ kiểu làm ăn manh mún, hiện đại hóa ngành công nghiệp thực phẩm…
Muốn làm được điều này cần phải có bàn tay của nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Sự thật phổ biến trong nền nông nghiệp nước ta là người nông dân đang tự “bơi” trên mảnh ruộng của mình. Các chính sách dù có nhưng quá vĩ mô, thiếu tính thực tế.
Nói gì thì nói, để thương lái Trung Quốc thao túng nền nông nghiệp là trách nhiệm trước hết thuộc về những người quản lý. Chẳng lẽ không có biện pháp nào ngoài việc chờ xong xuôi sự việc… rồi thống kê thiệt hại?
Việc cần làm hiện nay là các cơ quan quản lý cần phải tăng cường tuyên truyền cho người dân về thủ đoạn của thương lái Trung Quốc; đồng thời, kiểm tra chặt chẽ, xử phạt mạnh tay thậm chí trục xuất nếu có âm mưu buôn bán nhằm mục đích đầu cơ phá hoại.
Nông sản là mặt hàng chủ đạo của kinh tế quốc gia, không thể trông chờ vào những đợt “giải cứu” mang tính chất “nóng tay bắt lỗ tai” mà phải tìm con đường đi bền vững.
Có câu chuyện về tư duy kinh doanh của người Do thái rằng: Tại một ngã tư nọ ban đầu vắng quán xá, cửa hàng, nhận thấy người qua lại đông đúc ông A liền mở ngay một trạm xăng dầu. Khi có trạm xăng dầu người đi đường dừng chân nhiều hơn, nhìn thấy cơ hội nên anh B mở ra một quán cà phê, ngày càng có nhiều người dừng lại ngã tư này. Thấy vậy, chị C cũng quyết định mở một cửa hàng đồ ăn nhanh. Ngã tư ngày càng sầm uất, anh D đầu tư một trung tâm mua sắm lớn… Tất cả đều ăn nên làm ra, không ai “dẫm” chân ai. Các bạn biết vì sao chứ?
Trương Khắc Trà
http://enternews.vn/giai-cuu-nong-san-bao-gio-cho-den-ngay-mai.html
Bài viết khác
Để đảm bảo an ninh lương thực, Trung Quốc đã mở rộng mạng lưới nhập khẩu thực phẩm đến những quốc gia không thuộc nhóm truyền thống như Mỹ hay châu Âu. Từ các cánh đồng đậu nành Brazil đến các cảng tôm hùm tại Việt Nam
Năm 2024, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ghi nhận lợi nhuận đạt 4.940 tỷ đồng, mức cao kỷ lục và là năm thứ tư, doanh nghiệp đạt mức lãi trên 1.000 tỷ đồng.
(PLVN) - Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Gia Lai ngày 6/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Gia Lai cần bám sát vào các Nghị quyết của Trung ương, các quy hoạch và chiến lược đã được duyệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới