Duy bánh tráng: Muốn “cuốn cả thế giới”


“Đừng chỉ mua một chiếc bút bi, hay một gói bánh phồng tôm, hãy nhìn vào người doanh nhân phía sau những sản phẩm đó. Hãy nhìn vào bàn tay, khối óc, những giọt mồ hôi của những người công nhân, kỹ sư đã làm nên những sản phẩm đó…” - khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, tự dưng, tôi nghĩ ông đang nói về chàng doanh nhân trẻ, à không, nhà sáng chế trẻ Đặng Khánh Duy của bánh tráng Tân Nhiên.

Chọn “bánh tráng có thể cuốn cả thế giới”

Tôi gặp Duy nhiều lần ở đủ mọi trường hợp: thấy anh chàng sang triển lãm thực phẩm lớn nhất vùng Thaifex, đi hội chợ, tài trợ một cuộc thi khởi nghiệp, lên sân khấu nhận bằng khen… tất cả các sự kiện này, đều gắn với bánh tráng. Bánh tráng của Duy, nổi bật so với hàng ngàn sản phẩm khác vì nó siêu mỏng và có thể cuốn ngay không cần nhúng nước. Ngoài ra, anh chàng còn làm bánh tráng trộn nữa. Lúc đầu, cứ thấy đội bánh tráng hiền hiền, lụi cụi bán hàng, mỗi gói sản phẩm cũng rẻ, nên tôi không mấy quan tâm. Cho tới khi hầu như tháng nào, tôi cũng nhận được đề nghị của bạn bè quốc tế muốn kết nối để đem bánh tráng Tân Nhiên sang nước họ.

Ví dụ, một doanh nhân Nhật Bản nhắn: “Bung có nghĩ là mình thay các lớp giấy cuốn đồ chiên tempura của Nhật hay miếng lót sushi bằng bánh tráng thì thị trường sẽ lớn tới mức nào không?”. Tôi nhắn cho Duy, và đối tác có vẻ hài lòng.

Doanh nhân Đặng Khánh Duy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên (giữa) chia sẻ tại lễ công bố, trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2024, đồng thời Tân Nhiên được vinh danh trong 10 doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo, nhận hoa chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.


Tôi hỏi anh chàng: Hãy giới thiệu về bánh tráng Việt Nam với một người khách từ… châu Phi, tức là người có lẽ chưa bao giờ biết tới bánh tráng, thử xem sao? Duy bảo: “Cũng đơn giản mà. Có thể Duy sẽ mất khoảng độ 30 giây để lên Google tìm kiếm món ăn nổi tiếng của châu Phi ở dạng khô. Sau đó cho họ thấy bánh tráng của Duy có thể cuốn “cả thế giới” và họ hoàn toàn có thể thưởng thức trọn vẹn món ăn của họ mà không sợ ảnh hưởng tới mùi vị, và đặc biệt hơn còn giúp cho món ăn được hòa quyện với nhau hơn, có đủ các hương vị thay vì họ phải dùng riêng từng phần. Mình rất tiện để thuyết phục khách hàng vì không phải mất thời gian để học cách nhúng nước, làm ẩm rồi mới cuốn, mà chỉ cần cho mọi thứ vào và cuốn hoặc xếp lại là được”.

Duyên và nghiệp bánh tráng

“Bán một sản phẩm thì chắc không giàu lắm đâu, nhưng bán luôn người bán sản phẩm thì chắc là giàu. Các bạn hãy bán luôn tâm thế, tinh thần của mình. Bán luôn cả sự mạnh mẽ và tinh thần yêu nước của mình, để tạo ra một sản phẩm để định danh nó là “Hàng Việt Nam”. Chúng ta phải tư duy, phải ý thức được là chúng ta đang làm nên, đang bán ra một thương hiệu quốc gia, và như thế có nghĩa chúng ta phải luôn cố gắng làm sao cho thật hay, thật tốt hết sức có thể” - ông Lê Minh Hoan nói, và Duy nghe như nuốt từng lời. Anh chàng nhắn cho tôi: “Vậy ước nguyện nâng tầm đặc sản địa phương của Duy cũng không quá viển vông đúng không Bung?”.

Tôi bảo, sao mà không viển vông, khi mà Tây Ninh không có biển, không có muối, không có tôm, cũng chẳng phải là vùng nguyên liệu gạo hay khoai mì, lấy gì mà giành “đặc sản địa phương” với “tài nguyên bản địa”. Anh chàng cười: “Chính vì không có gì hết, mới là thử thách con người nơi đây để nghiên cứu, sáng tạo và tìm tòi ra cái mới. Vậy có thể nói chính vì sự sáng tạo và kiên trì của con người sống ở vùng đất đầy nắng và gió này mới tạo ra và xây dựng được hình ảnh một sản phẩm mà mọi người đều nhớ tới như hôm nay. Vậy mình bán đặc sản là ý chí của con người Tây Ninh vậy”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái 
tại gian hàng “Đặc sản bánh tráng Tây Ninh” của Công ty TNHH Tân Nhiên, nghe Đặng Khánh Duy giới thiệu sản phẩm, trong khuôn khổ hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ ngày 26.11.2022 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nhật Bắc 


Mà quả thật, Duy có thể viết nguyên một cuốn sách về hành trình tìm tòi, thử nghiệm để tạo ra bánh tráng siêu mỏng không cần nhúng nước từ nguyên liệu khoai mì của mình. Những ngày đầu đi học hỏi, lắm lúc học lóm, rồi những ngày, trộn những thùng bột đầu tiên, bấm máy đầu tiên, ăn ngủ với máy, với bánh… Nhưng đúc kết lại, bản thân Duy thấy không có gì là không thể làm được, tất cả chỉ là chưa làm được, kể cả việc bí mật kinh doanh này bị tiết lộ ra ngoài.

Tôi tưởng tượng lúc đó chắc Duy phải điên dữ lắm, vì món “tủ” này là sinh mệnh của cả công ty mà. Hóa ra tôi lầm, thay vì ngồi tính toán thiệt hại, đội ngũ này ngồi lại và hỏi: Mình sẽ tiếp tục làm gì để giữ được phong độ người dẫn đầu ngành bánh tráng?

“Nghề chọn người”, ở trường hợp này là có thật. Anh chàng chọn cách nhìn tích cực vào mọi hoàn cảnh: mất công thức độc quyền thì có nghĩa là thị trường sẽ to ra, mình có nhiều cơ hội hơn. Bánh tráng trộn Tây Ninh toàn “cột dây thun” thì mình có cơ hội hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa nó hơn…”. Duy quyết định đập bỏ cái nhà máy do chính mình lụi cụi xây dựng lên, để xây lại từ đầu, nhằm đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới, để mở đường cho bánh tráng Việt đi xa hơn.

Tin vào giá trị truyền thống

Tôi hay chọc Duy, người ta khởi nghiệp công nghệ cao trí tuệ nhân tạo này nọ rất hoành tráng, Duy cứ lụi cụi làm bánh tráng thấy chả sang tí nào. Anh cười: “Tùy thôi, mình tin vào giá trị sản phẩm của mình, mình thương nó vô cùng và tìm cách để người tiêu dùng cũng thương nó thì mình coi như có thương hiệu rồi”.

Quy trình sản xuất bánh tráng Tân Nhiên đạt tiêu chuẩn cao nhất FSSC 22000 của Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI). Hiện bánh tráng Tân Nhiên đã có mặt tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... 


Cái cách mà anh chàng chọn để thuyết phục người tiêu dùng cũng rất lạ: “Tại sao phải đầu tư nhà máy theo tiêu chuẩn toàn cầu chỉ để xuất khẩu, mà không phải để khách hàng Việt Nam được ăn bánh tráng chất lượng cao nhất thế giới?”. Vậy nên toàn bộ khách hàng đầu tiên của nhà máy đạt tiêu chuẩn FSSC 22000 - tiêu chuẩn cao nhất của Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI) đều là người Việt.

“Mình cứ làm tốt nhất theo tiêu chí sạch - kinh doanh sạch, sạch từ suy nghĩ đến sản phẩm để luôn trung thực với khách hàng và mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch nhất, chất lượng nhất thì từ từ người tiêu dùng chọn mình. Không chỉ người ăn bánh tráng trong nước mà cả thế giới cũng sẽ tự tìm đến mình thôi mà…”, Duy tự tin nói. 

Nguồn: nguoidothi.net.vn

Bài viết khác