Dự án cao tốc "khủng" mở cánh cửa giao thương với Trung Quốc khởi công vào ngày đầu tiên của năm mới
Sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, nối thông cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thì từ Hà Nội đi Cao Bằng chỉ còn 2,5 đến 3 giờ.
Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng sẽ giảm một nửa
Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 20 ngày 16/1/2023 với chiều dài toàn tuyến khoảng 121 km, tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93 km, điểm đầu tại tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng).
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được khởi công xây dựng trong ngày đầu tiên của năm mới 2024. Ảnh: VOV
Tuyến được thiết kế với vận tốc thiết kế 80 km/giờ, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17 m đối với các đoạn thông thường và 13,5 m đối với các đoạn phức tạp.
Trên tuyến bố trí 7 nút giao, 4 trạm dừng nghỉ, 7 trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng bộ.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia 6.580 tỷ đồng (gồm 2.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương; 4.080 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương), dự kiến hoàn thành năm 2026.
Là tỉnh miền núi với hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Cao Bằng có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng đồng thời tỉnh có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Song, nhiều năm qua, từ Cao Bằng, muốn tiếp cận các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội lớn của đất nước không có lựa chọn nào khác ngoài hệ thống giao thông đường bộ với 2 tuyến quốc lộ 3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và quốc lộ 4A (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng), thời gian di chuyển từ 6 - 7 giờ, qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở. Vì vậy, Cao Bằng rất cần có tuyến đường cao tốc để thông thương, đánh thức tiềm năng phát triển.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 2,5-3 giờ từ Hà Nội đến Lạng Sơn, Cao Bằng. Ảnh: Báo Cao Bằng
Hiện, quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng dài 280 km, ôtô di chuyển mất 5-6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, nối thông cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thì thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cao Bằng sẽ rút ngắn một nửa còn 2,5-3 giờ.
Dự án được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương với Trung Quốc
Với vị trí địa lý chiến lược, Cao Bằng cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế, trong đó phải kể đến tiềm năng về phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là thương mại và dịch vụ.
Nằm ở cửa ngõ giao thương hàng hóa từ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc ra biển và đến các nước ASEAN, hiện nay, Cao Bằng có nhiều cặp cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước, tạo ra nhiều tiềm năng, lợi thế để trao đổi sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản…
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương với Trung Quốc, sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận của Việt Nam.
Xa hơn nữa là hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối ASEAN đi Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc) sang Trung Á và châu Âu. Đồng thời, đảm bảo giao thương thuận lợi, nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng kết nối khu vực nói riêng.
Phối cảnh hầm xuyên núi trong dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh: VOV
Ngoài ra, Dự án giúp kết nối các trục ngang tuyến trong mạng lưới hệ thống đường cao tốc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển của tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế khu vực phía Bắc, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng Đông Bắc với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Hiện, các thủ tục cuối cùng của Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được địa phương và các bên liên quan gấp rút hoàn thiện, sẵn sàng cho lễ khởi công vào ngày 1/1/2024.
Bài viết khác
Ngày 28/8, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (huyện M’Drắk) đã tổ chức Lễ xuất khẩu chính ngạch lô sản phẩm chuối đầu tiên sang thị trường Mông Cổ.
Từ ngày 25 – 29/7/2024, tại Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Lào, thủ đô Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Hội chợ thương mại Việt - Lào 2024 (VIETLAO EXPO). Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn nhất do Bộ Công Thương hai nước Việt Nam
Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2024 đang chính thức mở cổng đăng ký, hứa hẹn là bệ phóng hoàn hảo để khẳng định vị thế và gia tăng giá trị thương hiệu của bạn!