Đã có 3.013 mã số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc


Báo cáo tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) sáng 9/1, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, sau 2 năm triển khai đáp ứng Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu (Quy định 248) và Quy định các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Quy định 249) của Trung Quốc, các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đến việc đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng tốt phần mềm đăng ký online của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và tận dụng được các ưu điểm về khai báo thông tin mặt hàng của hệ thống quản lý doanh nghiệp. Một cơ sở chế biến có thể đăng ký được nhiều sản phẩm nếu đáp ứng được các yêu cầu của GACC, đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký.

Đã có 3.013 mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp, tương đương khoảng gần 3.000 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm. Trong số trên, có 1.570 mã số (chiếm 52%) là những nhóm ngành hàng có nguy cơ cao do 5 cơ quan thẩm quyền quản lý. 

Số còn lại 1.443 mã số (chiếm 48%) do doanh nghiệp tự đăng ký theo Quy định 248. Các nhóm ngành hàng nông sản thực phẩm được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm sâu sát đến việc đăng ký và quản lý mã số dẫn đến việc xảy ra lỗi kỹ thuật trong quá trình xuất khẩu như sai tên doanh nghiệp, sai mã số, thiếu thông tin trên nhãn mác, mất mật khẩu tài khoản…

Đã có 3.013 mã số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai công tác năm 2024. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: B.T

Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, năm 2023, văn phòng đã tiếp nhận và xử lý 1.164 thông báo về các dự thảo quy định mới, các thay đổi về SPS của thành viên WTO, tăng hơn 20 thông báo so với năm 2022. Trong đó, 821 thông báo dự thảo lấy ý kiến và 343 thông báo bổ sung về dự thảo có hiệu lực hoặc thay đổi thông tin.

Nếu tính riêng dự thảo thông báo thay đổi biện pháp SPS, Nhật Bản có thông báo nhiều nhất với 142 thông báo (chiếm 12% tổng thông báo), tiếp theo là EU 121 thông báo (10%), Mỹ 90 thông báo (8%), Trung Quốc 34 thông báo (3%)...

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, việc số lượng thông báo SPS ngày càng tăng chứng tỏ thị trường thế giới đang rất quan tâm tới chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như ngày càng đòi hỏi cao hơn về vấn đề này cũng như các yếu tố liên quan tới tăng trưởng xanh.

Các thị trường gia tăng các biện pháp SPS

Theo ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các thị trường trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam có xu thế gia tăng các biện pháp SPS như thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), dư lượng kháng sinh, vật liệu tiếp xúc thực phẩm, ô nhiễm vi sinh vật... vì vậy, cần thiết phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của Văn phòng SPS Việt Nam với các cơ quan trong mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan khoa học, hiệp hội ngành hàng để góp ý các quy định của thị trường, cập nhật thông tin cho các bên liên quan và khuyến nghị các giải pháp thích ứng;

Việc đàm phán, mở cửa thị trường cần có sự tham gia ý kiến của nhiều bên liên quan như các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan khoa học, doanh nghiệp... để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Đã có 3.013 mã số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: B.T

Ông Lê Thanh Hòa cho biết, năm 2024, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục cập nhật, tổng hợp các thông báo dự thảo các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) và cảnh báo từ các đối tác thương mại và thành viên WTO gửi các đơn vị liên quan theo quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan phản hồi các góp ý đối với thông báo dự thảo các biện pháp SPS của Việt Nam đã thông báo tới WTO.

Văn phòng phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc tiếp tục đàm phán chương SPS của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EFTA (Thụy Sĩ, Na uy, Iceland, Liechtenstein), Việt Nam - Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE); tiếp tục đàm phán nâng cấp các Hiệp định ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định ASEAN - Canada (ACAFTA), Hiệp định ATIGA.

Văn phòng cũng chủ trì và phối hợp với các cơ quan thuộc mạng lưới SPS Việt Nam triển khai các cam kết SPS trong các FTA và chuẩn bị nội dung, tham dự các phiên họp thuộc Ủy ban SPS tại các Hiệp định thương mại song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là trong các Hiệp định: EVFTA, CPTPP, RCEP, VKFTA, UKVFTA, VIFTA.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), các quy định về SPS của các nước thay đổi liên tục, làm cho doanh nghiệp đôi khi còn bị động trong đáp ứng quy đinh. Văn phòng SPS Việt Nam cần cập nhật thông tin sớm cũng như thông tin tuyên truyền kịp thời tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân để nông sản Việt đáp ứng tốt các quy định của các thị trường.

Ông Huỳnh Tấn Đạt cũng kiến nghị, Văn phòng SPS Việt Nam cần tuyên truyền các quy định về SPS theo chuyên đề, thị trường, ngành hàng để các doanh nghiệp, hiệp hội nắm bắt thông tin hiệu quả. Đồng thời qua đó cũng giải quyết sâu hơn các vấn đề vướng mắc ở từng ngành hàng, thị trường. Văn phòng cũng nên phối với các cục chuyên ngành cùng các hiệp hội trong tuyên truyền để qua đó hiệp hội thông tin tới các thành viên.

Ngoài ra, Văn phòng SPS Việt Nam cũng cần cập nhật lại các điều kiện của các thị trường trên website của văn phòng, qua đó giúp các đơn vị có thể cập nhật, tra cứu thông tin chính xác, hiệu quả.

Bài viết khác