Cơ cấu lại ngành hồ tiêu


Cơ cấu lại ngành hồ tiêu

 
 
 

Niên vụ hồ tiêu 2017 - 2018 của nước ta giảm mạnh cả về giá trị và sản lượng. Thời điểm hiện tại, giá tiêu đầu mùa chỉ còn ở mức hơn 60 nghìn đồng/kg, bằng một phần ba mức giá so với thời điểm này cách đây hai năm. Dự báo ngành hồ tiêu sẽ tiếp tục gặp khó nếu như không có giải pháp cơ cấu lại hợp lý.

Chăm sóc hồ tiêu tại huyện Đác R'Lấp (Đác Nông).

Diện tích tăng, giá trị giảm

Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN và PTNT) Lê Văn Ðức cho biết, diện tích cây hồ tiêu những năm gần đây gia tăng đột biến. Cụ thể, nếu như năm 2010 cả nước chỉ trồng 51,5 nghìn ha, thì đến năm 2014 đã tăng lên 85,5 nghìn ha. Ðến hết năm 2017, con số này đã là gần 153 nghìn ha, tăng 196,3% so với năm 2010, và 22,5% so với năm 2016. Không chỉ diện tích hồ tiêu ở Việt Nam tăng, mà còn tăng nhanh tại nhiều quốc gia trồng hồ tiêu khác, khiến cho sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng mạnh. Cụ thể, năm 2016, sản lượng tiêu toàn thế giới chỉ đạt 434 nghìn tấn, đến năm 2017 đã tăng lên 510 nghìn tấn. Do hồ tiêu cung đã vượt cầu cho nên giá giảm nhanh. Năm 2017, mặc dù cả nước xuất khẩu ước đạt 214 nghìn tấn, tăng 20,5% về số lượng, nhưng giảm 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Ðiều đáng lo ngại là diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh, trong khi việc quản lý, kiểm soát chất lượng lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, công tác quản lý cây giống hồ tiêu ở các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa có cây giống được công nhận theo tiêu chuẩn quản lý giống, vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng hồ tiêu. Ðây cũng là nguyên nhân khiến giá tiêu liên tục giảm mạnh, hiện chỉ còn hơn 60 nghìn đồng/kg, gần sát với giá thành sản xuất bình quân chung của cả nước là hơn 49 nghìn đồng /kg.

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Ðác Lắc Huỳnh Quốc Thích cho biết, niên vụ 2017-2018, người trồng tiêu ở Ðác Lắc phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh cả về năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm. Lý giải về điều này, ông Huỳnh Quốc Thích cho rằng, khi cây hồ tiêu ở thời kỳ "đỉnh cao", người dân ồ ạt mở rộng diện tích, nhiều nơi canh tác hồ tiêu trên diện tích đất không phù hợp, thậm chí trồng cả ở những nơi không bảo đảm nguồn nước tưới, cứ có giống là trồng chứ không lựa chọn cây giống chất lượng.

Bên cạnh đó, thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi ảnh hưởng xấu đến quá trình phân hóa mầm hoa, ra hoa, khiến cho sản lượng, chất lượng cây hồ tiêu sụt giảm mạnh. Ông Nguyễn Bá Thịnh ở ấp 4, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) chia sẻ, niên vụ 2016-2017, với diện tích 4 ha tiêu, gia đình ông thu được khoảng 10 tấn tiêu/năm. Năm nay, cũng từng ấy diện tích mà ước lượng chỉ thu được hai tấn. Hồ tiêu mất mùa mà giá cũng giảm mạnh, giá tiêu đầu mùa hiện được thương lái thu mua ở mức từ 60 đến 70 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 20 nghìn đồng so với thời điểm này năm 2017 và giảm khoảng 100 đến 120 nghìn đồng so với cùng thời điểm năm 2016. Mọi năm, vụ tiêu kéo dài chừng ba đến bốn tháng, tuy nhiên, niên vụ này, cây tiêu mất mùa, giá lại thấp khiến nhà nào cũng khẩn trương thu hoạch cho xong để có thời gian dưỡng cây chuẩn bị cho vụ mới chứ không đợi tiêu chín đều.

Giảm lượng, tăng chất

Theo Sở NN và PTNT Ðác Lắc, việc ổn định, giảm diện tích hồ tiêu là việc hết sức khó khăn vì đất là của người dân. Họ tự quyết định việc canh tác các loại cây trồng trên đất của mình, trong khi ngành chức năng chỉ có thể tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế trồng trên những vùng đất không phù hợp chứ không thể ngăn cấm. Một cái khó nữa là hiện nay, Ðác Lắc vẫn chưa có quy trình tái canh cây hồ tiêu do Bộ NN và PTNT công nhận, cho nên ngành nông nghiệp tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn cho nông dân thực hiện bảo đảm đúng quy trình tái canh cây hồ tiêu, tránh tình trạng trồng tiêu không bảo đảm yêu cầu về thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu cũng như kỹ thuật chăm sóc.

Ðể giảm đà phát triển "nóng" của cây hồ tiêu, Bộ NN và PTNT đang yêu cầu các ngành, địa phương triển khai những biện pháp cơ cấu lại sản xuất nhằm giảm sản lượng, tăng chất lượng cho cây hồ tiêu. Trước mắt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ hồ tiêu chỉ là gia vị cho nên lượng sử dụng có hạn. Hơn nữa, sản lượng hồ tiêu thế giới đã vượt quá nhu cầu, vì thế không nên phát triển ồ ạt, nên giảm diện tích ở những nơi không phù hợp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Về phía các cơ quan chức năng, cần tập trung nghiên cứu làm tốt công tác về giống tiêu, chọn ngay ra được những giống tốt để công nhận giống, và xây dựng quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng với việc đẩy mạnh những mô hình liên kết chuỗi giữa các nhà vườn, doanh nghiệp, cần nâng cao vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu trong việc điều tiết thị trường, quảng bá, khẳng định thương hiệu và vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hoàng Anh Thư

Nhân dân

Bài viết khác