Lâu nay, nhiều người đã quen miệng nói về cuộc cách mạng 4.0, miễn sao nhớ trong đó có robot, công nghệ đám mây, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo… Nhưng rốt cuộc là làm những gì? “Làm ruộng, đánh cá như tụi tui có xài được không? Có lợi gì không?” là những câu hỏi rất thực tế mà những người nông dân, ngư dân chất phác đặt ra.

RTA mong muốn kết nối với các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp để cập nhật thông tin dữ liệu lớn

RTA mong muốn kết nối với các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp để cập nhật thông tin dữ liệu lớn

Lòng tin 4.0

TS. Lê Đặng Trung, CEO điều hành công ty Real-Time Analytics (RTA) cầm chiếc điện thoại giải thích tới đâu là đưa hình ảnh minh chứng tới đó.

“Vấn đề là lòng tin. Các bác có đồng ý là bây giờ đem hàng ra chợ, để chứng minh hàng này rất an toàn là một việc rất khó, thậm chí quá khó cho người mua tin đó là thật?”, TS. Trung đặt câu hỏi. Câu chuyện “lòng tin” đang có vấn đề, vì vậy cách tiếp cận của RTA là viết chương trình phần mềm quản lý hỗ trợ nông dân quản lý tiến trình và bắt đầu làm thực tế cho nông dân thấy.

Nông dân không thể tự chứng minh việc mình làm ngoài đồng, đây là cách nhận diện, phản hồi nhanh (QR code)… Bà con không thể ghi chép như một nhân viên giám sát thống kê và thường không tạo được lòng tin khi nói suông rằng, sản phẩm này an toàn. Khi không ai tin các bác ấy thì phải dựa vào hệ thống chứng nhận, trong khi chi phí chứng minh quá lớn. Nhưng đã có chứng nhận, cũng chưa chắc người mua đã tin, vì chứng nhận cũng có thể mua được.

Lòng tin sụp đổ từ sự tuyệt vọng của người sản xuất kéo theo mối nghi ngờ dai dẳng của người mua.

Có thể sửa lỗi này không? Các bác nông dân có thể tự chứng minh việc đã làm đúng quy trình bằng cách sử dụng smartphone, chụp lại những loại vật tư đã sử dụng theo lịch trình canh tác, lưu vào máy theo mẫu đã được format. Máy sẽ ghi lại địa điểm, thời gian. Thậm chí những thắc mắc về côn trùng lạ, bệnh lạ, cứ chụp lại và gởi ngay về trung tâm của RTA để được giải đáp, tư vấn. “RTA mong muốn kết nối với các cơ quan nghiên cứu nông nghiệp để cập nhật thông tin dữ liệu lớn”, TS Trung nói.

Ông có vẻ day dứt khi nói đến thẻ vàng thủy hải sản EU đang treo lơ lửng, chưa biết bao giờ bị áp dụng nếu không thể tự chứng minh tọa độ, cách khai thác, kỹ thuật không nguy hại môi trường. Công việc đó không quá khó khi tàu nào cũng có định vị toàn cầu, ngư dân nào cũng có smartphone. Vậy tại sao không tạo ra ứng dụng (app) để ngư phủ ứng dụng phần mềm, điền vào mẫu, chụp lại việc mình làm? Đó là bằng chứng theo thời gian thực, một cách tự bảo vệ mình hữu hiệu.

Tại sao không tạo ra app để ngư phủ ứng dụng phần mềm, điền vào mẫu, chụp lại việc mình làm? Đó là bằng chứng theo thời gian thực, một cách tự bảo vệ mình hữu hiệu

Tại sao không tạo ra app để ngư phủ ứng dụng phần mềm, điền vào mẫu, chụp lại việc mình làm? Đó là bằng chứng theo thời gian thực, một cách tự bảo vệ mình hữu hiệu

Vách ngăn nhận thức

Là người từng du học trở về, ông Trung nhìn thấy những “vách ngăn nhận thức” và đã nỗ lực tạo ra những phần mềm dễ hiểu, dễ ứng dụng. Ứng dụng Special sensor cho nông nghiệp là ý tưởng được ấp ủ suốt từ thời còn là nghiên cứu sinh, làm việc ở Copenhagen, Đan Mạch của ông Trung. Rồi sau đó là quãng thời gian ròng rã sang châu Phi, châu Á, lặng lẽ nghiên cứu, trải nghiệm, so sánh cách làm mô hình thống kê, ứng dụng kiến thức kinh tế học trên một thập niên…

TS Trung hiện có bộ 3 sản phẩm: rtSmartSurvey (trước đây là Field Assistant & RTSurvey): hướng đến các cuộc khảo sát với khả năng quản lý khảo sát và phân tích dữ liệu theo thời gian thực; rtCPMS: ứng dụng quản lý quy trình dành cho doanh nghiệp, tổ chức và dự án và rtHome: phục vụ người dùng cuối cùng.

“Làm việc ở xứ mình là khó lắm, khó nhất”, ông nói, nhưng vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu “phải làm gì đó để kéo nông dân, ngư dân đến với công nghệ mới”.

Đọc xong Nghị định 55/2017/NĐ-CP, ký ngày 9/5/2017 về việc quản lý nuôi chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, người nuôi thương phẩm phải quản lý ao nuôi, đăng ký theo biểu mẫu, phụ lục….TS. Trung chia sẻ, ông đã suy ngẫm hồi lâu, tự đặt mình vào vị trí người nuôi cá, phải làm sao để hoàn thành thủ tục này để có mã nhận diện?

Ông Trung thiết kế phần mềm theo cách đặt chính mình vào tình huống của nông dân và cách xử lý của ông là định dạng với những form dễ dàng truy cập từ smartphone, điền vào chỗ trống những thông tin đầy đủ, chính xác, ký tên điện tử, nhấn nút hoàn thành và gởi ngay cho cơ quan quản lý.

“Chỉ cần làm đúng các bước trong phần mềm hướng dẫn được cài đặt thì không chỉ có địa chỉ ao nuôi mà kèm theo đó là hình ảnh, tọa độ, định vị rõ ràng và nếu cơ quan quản lý ứng dụng công nghệ điện toán toàn bộ thì đã có chữ ký điện tử”, ông hào hứng chia sẻ.

Nhà quản lý đã sẵn sàng?

Mười năm trước, một công ty môi giới đưa nhóm thương nhân Qatar vào Cần Thơ tìm nhà cung cấp gạo theo nhu cầu cho người dùng theo đạo Hồi, với điều kiện sản phẩm an toàn. Sản phẩm chính là gạo đồ, quy trình sản xuất - đóng gói bảo đảm chuẩn mực quốc tế, có thể truy xuất nguồn gốc.

Mãi tới năm 2017, một phần của ý tưởng đó mới được tái hiện ở Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Công ty này đầu tư 3 triệu USD làm hệ thống 10 silo, sau khi đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để thực hiện mô hình nông nghiệp cơ giới hóa toàn phần trên quy mô gần 800 ha tại Kiên Giang theo hướng tự động hóa toàn bộ khâu cung ứng, tồn trữ, bảo quản lúa (không tồn trữ gạo lứt như các doanh nghiệp khác), chế biến đóng gói tự động trong phòng lạnh. Ông Phạm Thái Bình, giám đốc công ty này nói rằng, để hoàn thiện quy trình, ông phải chuẩn bị trong 20 năm.

Một ví dụ khác là viện nghiên cứu nông nghiệp Yanmar thành lập cách đây 4 năm. Ngay từ đầu ông Takeo Matsubara, Giám đốc Văn phòng đại diện Yanmar tại Cần Thơ khẳng định, việc thành lập viện nhằm mục đích phục vụ phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và định hướng đến 2024 giúp Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, công nghiệp hóa nông nghiệp. Họ chứng minh bằng các thiết bị tối tân.

Trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện máy hỏng hóc ở đâu, khi phát tín hiệu về trung tâm sẽ có người tư vấn sửa chữa; thiết bị thông minh giúp phát hiện máy ngay khi bị đánh cắp…. Có điều bất ngờ là những tính năng (như cày xới ở vùng ngập nước, đất sình lầy, lúa đứng hay đổ ngã…) đã xuất phát từ những góp ý của các lão nông, những người làm dịch vụ đã xài qua nhiều loại máy tự chế, máy nhập từ Trung Quốc…

Tuy vậy, những phần mềm ứng dụng trên chiếc smartphone như của TS. Trung có khó khăn khi tiếp cận cộng đồng?

“Hổm rày biết bao nhiêu công ty chào bán phần mềm, nhiều lắm và chúng tôi đang xem xét”, một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ở địa phương nói, nhưng ông không thể kể tên được bất kỳ phần mềm nào. Thậm chí vị này nói "điện thoại chỉ để gọi - nghe, nhắn tin chứ lu bu quá, tui không rành".

Những vách ngăn nhận thức liệu sẽ giảm nhiệt huyết của lớp trẻ sáng tạo? TS. Trung cười nói rằng, trong giao điểm cung - cầu, có thể những người làm ở khu vực công chưa nhìn thấy, nhưng ông đã thấy những dấu hiệu từ khu vực tư, từ những xung đột mang tính pháp lý từ bên ngoài, từ nhu cầu xã hội muốn truy xuất nguồn gốc… chắc chắn sẽ cần tới RTA khi thị trường ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, người bán cần phải chứng minh một cách khoa học mới có thể tạo lòng tin cho cả người mua lẫn người tiêu dùng cuối cùng.